HẦU ĐỒNG TỪ CÁI NHÌN TRONG SẠCH HƠN
........................................................................
Có nhiều người thích dùng những cụm từ sang trọng hơn như “Hầu đồng dưới góc nhìn văn hóa”, “
Hầu đồng từ cách tiếp cận khu vực học”, những cụm từ đó không phải không hay nhưng không đúng ý tôi muốn đề cập
Bởi những nhà văn hóa có cách hiểu của họ về hầu đồng, nhưng cuộc sống cũng có cách bảo cho người ta biết thế nào là hầu đồng:
“Ai bảo là đồng không giúp nước
Âm phù dương trợ chẳng kể công”
Hầu đồng cũng như mọi vấn đề nhạy cảm khác, là một-thứ-văn-hóa-sống, cần sự thấu hiểu và chấp nhận của số đông mọi người để tiếp tục tồn tại và phát triển, chứ không thể chỉ sống bằng lòng thành của các con nhang đệ tử hay lòng trân quý của các nhà văn hóa.
Mối duyên với cửa Thánh:
Về bản chất, lên đồng là một nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các ông đồng, bà đồng
Mà mọi người còn hay gọi là “cô, cậu”. Dân gian tin rằng các vị thần linh có thể nhập hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang, đệ tử. Khi thần linh nhập vào đồng thì lúc đó các ông đồng, bà đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần nhập vào họ.
Hầu đồng là một nét văn hóa của Đạo Mẫu. Nhà thơ Tú Xương cũng đã từng có đôi dòng thảo qua về cái sự “Lên đồng”:
“Khen ai khéo vẽ sự lên đồng
Một lúc lên ngay sáu bảy ông
Sát quỉ, ông dùng thanh kiếm… gỗ,
Ra oai, bà giắt cái… khăn hồng.
Cô giương tay ấn, tan tành núi,
Cậu chỉ ngọn cờ cạn rốc sông.
Đồng giỏi sao đồng không giúp nước?
Hay là đồng sợ súng thần công?”
Thanh đồng (người đứng ra cửa thánh hầu đồng) hầu như vì các duyên cớ khách quan, vì có căn cao số nặng, vì sống dở chết dở, vì không hầu thì đầu óc cứ mơ mơ tỉnh tỉnh, thần thần tiên tiên,… nên phải đứng ra mở giá đồng; hòng hóa giải kiếp nạn cho chính mình và cho người khác, mục đích không nằm ngoài cứu nạn.
Mặt trái của hầu đồng và những hệ lụy đầy tai tiếng:
Hầu đồng văn hóa khác hoàn toàn với hầu đồng trục lợi. Đúng như cụm từ hầu-đồng-trục-lợi, nhiều kẻ xấu lợi dụng sinh hoạt tín ngưỡng dân gian này để làm công cụ thu lời; mà hậu quả gây ra vô cùng tai hại như: người bị vấn đề về thần kinh, tâm lý, thay vì đi bệnh viện điều trị thì lại bị xúi giục, lôi kéo “lên đồng” để mà “tiền mất tật mang”. Thánh chứng ở tâm, mượn hầu đồng để ăn cướp của thiên hạ thì của thiên trả địa, vạn kiếp bất phục.
Đúng như lời thanh đồng thì “nửa cốc nước cũng mở được một giá đồng, mà một cốc nước cũng mở được một giá đồng”, chỉ cần là căn duyên tiền kiếp thật thì cứ lên đồng, tiền nhiều hay ít không quan trọng, miễn là có lòng thành.
Đặc biệt, đoạn cuối trong một giá đồng bao giờ cũng có cảnh thánh phát lộc cho chúng sinh, và hậu quả thường sinh ra cảnh tranh giành, chen lấn, xô đẩy nhau… Đó chỉ đơn thuần là sự ban phúc, ban của cải của người Mẹ thiên nhiên cho các con của mình. Nhưng từ đó, nhiều người lại sinh ra tâm lý ỷ lại, manh nha hình thành thói quen lười lao động, chỉ chờ chặt chém, chộp giật lộc rơi lộc vãi thánh thần ban cho. Các đệ tử của “thánh lô, thánh đề” cũng vì thế mà chăm đi lễ cửa thánh, cầu cúng liên miên vì mục đích sinh lợi.
Xúc cảm khi xem một giá đồng:
Không hiểu là có căn có nghiệp gì không mà ngay từ khi chưa biết hầu đồng là cái mô-tê gì, một giá đồng thì thanh đồng nhảy ra sao, hay cung văn người ta hát hò thế nào… mà tôi vô thức cứ thấy thánh nhập, cứ thấy thanh đồng nhảy đồng, cứ được ngồi xem hầu đồng là máu trong người đã từ tim tuần hoàn với tốc độ ánh sáng đến tứ chi, tim không còn đập 72 nhịp/ phút nữa! Con người ta, đôi khi chỉ vì một thứ cảm giác hứng thú, vì si mê mà cả cuộc đời cứ mãi đeo đẳng một mối duyên… Duyên ấy lành hay dữ còn tùy vào mệnh của khổ chủ, nhưng chưa thấy mấy ai dứt được duyên được nợ bao giờ.
Một xã hội được gây dựng bởi ba yếu tố nhân văn là văn hóa, tín ngưỡng và thể chế. Mỗi người hoạt động trong lĩnh vực nào thì phải toàn tâm, toàn ý, toàn vẹn vì lĩnh vực đó mà cống hiến. Như đã nghe “văn hóa của ai thì người đó có thể làm trong sạch cái văn hóa ấy”, dù có người gọi hầu đồng là mê tín dị đoạn, là trục lợi, thì xin những tấm lòng đã từng phấn khích vì một lần “lên đồng”, đã từng xem đồng mà thấy khỏe ra, thấy yêu đời hơn, hãy nói với mọi người rằng đó chỉ là một sinh hoạt tín ngưỡng dân gian thuần túy và trong sạch. Trong sạch với lương tâm mỗi người khi trân quý sự đa dạng của văn hóa, cũng là khiến cách nhìn của người khác trong sạch về chính cái mình tin tưởng, phụng sự, tôn thờ.
Có quá nhiều thứ văn hóa đặc sắc, vô tình hay cố ý, đã bị nhìn nhận một cách méo mó không phải như bản thân chúng vốn thế. Hầu đồng là một trong số đó! Và chỉ có những ai đủ kiên nhẫn tìm hiểu bản chất vấn đề thì mới không kiểu nghe hơi nồi chõ mà ngồi phán xằng phán bậy.
Hầu đồng vốn là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của dân tộc. Trải qua thăng trầm lịch sử, hầu đồng chịu nhiều biến động, có hay có dở, nhưng vẫn tồn tại đến tận ngày nay. Thời gian có thể khiến cho mọi thứ trở nên thiêng liêng, hầu đồng cũng là một thứ như thế. Và chúng ta, những công dân trẻ tuổi hãy hiểu đúng để bảo tồn, phát huy những nét tinh hoa, hạn chế những mặt tiêu cực. Bởi, văn hóa tức là tôn trọng sự đa dạng, phủ nhận hoàn toàn một nét tín ngưỡng cũng giống như phủ nhận gốc gác, hồn dân tộc của bản thân mình vậy.