Có người sinh ra trong gia đình giàu có nhà cửa phương tiện đàng hoàng
Bố mẹ có địa vị xã hội bản thân được học hành đến nơi đến chốn
Họ nghĩ họ may mắn? Họ nghĩ họ phước đức?
Đúng nhưng may mắn có lúc sẽ chẳng còn phước đức xài nhiều rồi cũng cạn
Chưa đủ duyên biết được chánh pháp đó là 1 cái khổ.
Có người bén duyên với tu hành từ rất sớm gia đình bạn bè không ai phản đối lại gặp được thầy tốt dẫn dắt
Họ nghĩ họ may mắn? Họ nghĩ họ phước đức?
Đúng quá còn gì nhưng đời có ai may được mãi có phước đức nào là vô lượng vô biên
Một lần quy y Hương Vân Cái Bồ Tát - là một đời phải theo luật tu của Đình Thần Tam Tứ Phủ
Đã có duyên tu mà lại phạm luật cái khổ này xem ra còn khổ gấp mấy.
Có một thực tế như này: bây giờ tu hành không bị cấm đoán việc lập các bản hội
Để hoằng dương giáo dưỡng cũng dễ dàng hơn xưa
Nhưng trong các bản hội, thật ra ít người chú ý đến việc rèn tâm cho đệ tử…
Hậu quả là tạo ra những thế hệ con đồng chỉ trọng hình thức mặc kệ đạo tâm - muốn đến đâu thì đến.
Chánh pháp mà Cha Mẹ truyền cho chư đệ tử, thanh đồng lấy chữ TÂM làm đầu
Dụng tâm mà nhập đạo - vốn dĩ ngàn xưa là rất đơn giản, nào phải bí hiểm gì.
Vậy mà nhiều người cứ mải biện luận - diễn dịch, vô hình chung ngày càng xa rời đạo tâm mà không biết
Phép tắc lề lối… không phải hình thức để phô diễn - mà là để rèn TÂM
Luật tu đâu có rườm rà, chung quy chỉ cầu 1 chữ tâm thành mà thôi.
Con nhà Thánh ai cũng 1 câu cửa miệng rằng: "thật tâm, thật tính, thật lính, thật đồng".
Vâng, nhưng "thật" là thật như thế nào? Thì lại chả ai nói.
Mình ăn mày công đức các thày xin thưa như thế này:
• Lúc nào cũng trước sau như 1 tin tưởng tuyệt đối vào chư Tiên chư Thánh
Khó khăn, gian khổ, thử thách… vẫn 1 lòng nương tựa vào Đình Thần Tam Tứ Phủ
Để mà vượt qua, không 1 lời kêu ca than vãn. Đó là thật tâm-
• Thẳng thắn đối diện với thói hư tật xấu của mình kiên trì khắc phục nhược điểm
Ví dụ trước tham ăn hám tiền háo danh lười lao động hay đơm đặt nói điều ác cho người
Thì phải tự biết mà sửa cái xấu đó đi. Ấy là thật tính-
• Kính trọng đồng trưởng đồng thày… trân trọng những người (bạn) hữu duyên giúp mình trên đường tu
Lắng nghe họ quan sát họ - rồi chọn lọc lấy những cái tốt những điều lành ở họ để mà học hỏi. Đó là thật lính-
• Hiểu rõ căn số mệnh của mình, là con của Đình Thần Tam Tứ Phủ - chứ không phải là bố là mẹ thiên hạ
Có số xem bói thì hẵng mở quạt bói.Không phải đồng điện thì đừng tôn cấp lập điện
Không kiêm chi đôi nước, không có việc liên đới đến cơ quan công quyền thì đừng vung vít tiến mã lục bộ Trần Triều
Có số phải mở Phủ thì hẵng mở Phủ, còn không thì cứ tôn nhang bản mệnh
Noi gương đức hạnh của Cha Mẹ mà tu tâm dưỡng tính được rồi… Và đó mới là thật đồng-
Dụng tâm nhập đạo là như vậy.
Nhiều người cứ bảo: sao mở Phủ rồi mà vẫn khổ? Xin thưa, cứ làm ngược lại 4 cái "thật" nói trên, cứ lệch tâm là khổ:
• Mở phủ rồi mà hơi tí là kêu ca, hoặc đâm ra nghi ngờ thày mình, rồi ngờ vực cả nhà Thánh. Khổ là vì thế- mà loại này là khổ nhất vì nghiệp đổ ào ào không đỡ nổi.
• Mở phủ rồi mà ngồi lê đôi mách, dựng chuyện nói xấu người này người kia
Tham ăn, lười làm. Khổ là vì thế- mà loại này là vô vọng nhất vì tu mãi rồi cũng chẳng đi tới đâu, qua tới vòng cơ thứ 2 rồi cũng giống như loại đầu.
• Mở phủ rồi mà thày tốt - bạn hiền khuyên cho tử tế lại chả nghe, đẽo cày giữa đường thay thày nhanh hơn thay áo. Khổ là vì thế- mà loại này là kỳ quái nhất vì mỗi lần thay thày là em lại hát bài "tu lại từ đầu" thật là mới mẻ.
• Mở phủ rồi mà ảo tưởng cực đoan, nghĩ mình là ông nọ bà kia, tiền thì không có mà bày đặt lễ bái dị kỳ tốn kém, hoang phí mua danh. Khổ là vì thế- mà loại này là dễ điên nhất vì đa phần họ bị vong theo, hoặc bị tà tá xác, đáng tiếc vô cùng.
Bản hội là nét đặc thù trong tín ngưỡng Tam Tứ Phủ. Bản Hội Nhất Tâm là mong muốn của mọi người, và cũng là trông chờ của chư Tiên chư Thánh.
Chúc quý thầy, quý bạn, chúc các tân đồng, thanh đồng, lính ghế Tứ Phủ ngày càng kiên cố đạo tâm nhé.