Khu vực Tuyên Quang này còn có đền Cô Bé Mỏ Than và đền Cô Bé Cây xanh. Cô bé Minh Lương có thể được coi là Cô bé Thượng Ngàn
*******************************************
Thường ít người ít về cô, vì cô không nằm trong tứ phủ thánh cô:
" Đền cô riêng một quả đồi
Gió lùa hiu hắt mây trôi hững hờ "
Đền thờ cô bé minh lương là ngôi đền toạ lạc trên một quả đồi, ba phía được bao bọc bởi 2 dòng suối có tên gọi là ngòi Lịch và ngòi Cơi
Hai dòng suối trong, mát này giao nhau trước cửa đền, chảy qua cầu Cơi ở km 10 rồi hoà vào sông Lô.
Vào thời nhà Trần (thế kỷ XV), ở tổng Minh Lương, thuộc xã Lang Quán ngày nay có hai vợ chồng, ông chồng là người Dao, bà vợ là người Mường tuổi đã cao mà chưa có con. Ngày ngày ông bà ra ngòi Lịch xúc tôm tép sống lần hồi. Một hôm, ông ở nhà, bà đi xúc tép như mọi ngày, nhưng xúc mãi không được con gì mà chỉ được hai quả trứng lạ. Bực mình, bà xuống hạ nguồn rồi lên tận thượng nguồn ngòi Lịch xúc vẫn chỉ được hai quả trứng ấy. Bà đành mang về thả vào chum nước dưới cầu thang. Ít lâu sau, bà mang thai và sinh ra một cô bé bụ bẫm, đặt tên là Minh Lương. Cùng lúc đó, hai quả trứng thả trong chum nước dưới cầu thang nở ra hai con rắn. Hai con rắn và cô bé Minh Lương cùng lớn lên, quấn quýt làm bạn với nhau.
Một buổi chiều, ông bà đi làm về và nhìn thấy hai con rắn quấn chết cô bé. Sẵn con dao rựa đeo bên người, ông tức giận rút dao vừa chém, vừa nói “Mày hại tao à”. Hai con rắn sợ quá chạy trốn, nhưng một con chậm hơn đã bị chém đứt đuôi. Ông đuổi hai con rắn và nói: “Cụt đi hang Mang, Khoang đi hang Đồng”. Ông bà xót thương cô bé, không nỡ chôn, nên đặt cô nằm ở trên sàn. Đến sáng đã thấy mối đùn lên đắp mộ cho cô bé. Dân làng thấy vậy đều cho là cô đã linh hoá nên lập miếu thờ. Thời kỳ giặc Cờ đen, cô bé Minh Lương đã hiển linh giúp quan quân triều đình thoát khỏi rừng rậm, sau đó dũng mãnh dẹp sạch giặc Cờ đen. Sau đó Cô còn hiển linh bốc thuốc, giúp dân chữa bệnh thoát cơn hiểm nghèo.
Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đền Minh Lương nay đã khang trang, bề thế, gồm các ban thờ Cô bé, thờ Phật, thờ Đức thánh Trần. Sân đền gồm hệ thống lầu cô, lầu cậu, quan sơn thần, chân nhang bản mệnh, mẫu cửu thiên; cạnh đền có hai gian nhà sắm lễ. Xung quanh đền được bao bọc bởi rất nhiều cây xanh. Ngay trước cửa đền có hai cây thiên tuế, một cây đực, một cây cái. Điều đặc biệt là cây cái mọc lên 8 nhánh và có nhánh phụ trông giống hệt bàn tay vái thiên. Một lần, các bô lão ở làng hoa Ngọc Hà (Hà Nội) lên thăm đền đã xác định tuổi thọ cây đã trên 500 năm và khẳng định, đây là cây thiên tuế độc nhất vô nhị. Dân làng xung quanh không ai dựng nhà cửa xung quanh gò đồi.
Có thơ rằng “ Đền Cô riêng một quả đồi/ Gió lùa hiu hắt mây trôi lững lờ”… Lễ chính đền vào các ngày mùng 10 tháng Giêng; mùng 4 tháng Tư; 24 tháng Sáu; mùng 10 tháng Chạp âm lịch.
Hiện nay, ở gần cầu Bợ còn hai hang động là hang Mang và hang Đồng. Dân chài đến gần hai hang đều thắp hương cầu khấn hai ông sà phù hộ cho thuyền được thuận buồm xuôi gió.
Còn ở đền Minh Lương thì không lúc nào ngớt khách đến tham quan, cầu nguyện. Bà Lộc Thị Nguộc, 69 tuổi, thủ nhang đền gần chục năm nay cho biết: Đền thờ cô mỗi năm một đông khách đến lễ hơn. Từ tết Nguyên đán Mậu Tý đến nay, đền đã đón gần 10 nghìn khách tham quan, du lịch tâm linh. Hiện nay, đền Minh Lương nằm giữa một quần thể du lịch tâm linh của xã Thắng Quân, gồm đền Lương Quán và Đầm Mây (nơi có lễ hội Đầm Mây nổi tiếng của huyện Yên Sơn). Cách quần thể du lịch tâm linh không xa là những ngôi làng nhỏ của đồng bào dân tộc Dao, Tày luôn hết lòng với khách, tạo nên một tua du lịch văn hoá tâm linh.