Hiểu Đúng Về LỘC THÁNH
Các cụ xưa có câu “Một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần” từ đó chúng ta thấy rằng miếng lộc Thánh đáng quý đến nhường nào. Khi Thánh ngự đồng sau những nghi lễ trang nghiêm sẽ ban phát lộc cho con hương đệ tử.
"Lộc" là gì?
- - Lộc nghĩa là phúc, tốt lành, những điều may mắn.Ban lộc phát lộc có nghĩa là ban phát những điều phúc lành và may mắn.
- - Lộc ở đây có thể là vật chất như hoa quả tiền bạc bánh kẹo.Cũng thể là những lời chúc phúc, những lời động viên, khích lệ, chỉ bảo của Thánh.
"Lộc thánh" trong tín ngưỡng thờ Mẫu thờ Thánh
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, lộc thánh rất đa dạng, phong phú. Có sự biến đổi rất nhiều qua các thời kỳ. Như xưa kia khi ngự đồng các quan thường sẽ không phát lộc, chỉ từ các hàng thánh bà, thánh cô mới phát lộc.Lộc khi này đơn giản chỉ là những đồng tiền lẻ, ngũ cốc, bông hoa, quả chuối, phong oản, chiếc kẹo lạc,kẹo dồi … .
Hiện nay thời thế phát triển hơn, các đồ phát lộc cũng đa dạng hơn. Hầu hết các giá đồng đều phát lộc. Có nhiều đồ hoa quả nhập ngoại, bánh kẹo, ngoại tệ, trang sức đắt tiền được dùng để phát lộc. Nhưng dù với bất kỳ hình thức nào thì chúng ta cần phải hiểu ý nghĩa của lộc thánh, cách con người nhìn nhận và hành xử với lộc thánh như thế nào cho phù hợp.
Thứ nhất – Một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần.
Miếng lộc thánh không cần phải to, phải nhiều, phải quý. Có khi đơn giản chỉ quả chuối, cái kẹo nhưng đối với người nhận nó thì đó là một món đồ trân quý, miếng lộc thánh chứa đựng tình thương, sự bao bọc, chở che của nhà Ngài. Miếng lộc thánh không phải ăn để no, ăn để béo mà là “Ăn hương ăn hoa”, ăn để nhận lấy được tình thương, sự chở che từ Thánh.
Thế nên lộc thánh không nên tham nhiều, không nên phân biệt sang hèn, đắt rẻ. Giá trị lớn nhất trong miếng lộc thánh là ý nghĩa của nó, những giá trị tinh thần mà nó đem lại.
Thứ hai – Lộc bất tận hưởng.
Thánh là bậc có trí tuệ, tình thương của ngài không phân biệt người giàu kẻ nghèo. Không phải vì người này cúng nhiều thì Thánh cho lộc nhiều, cúng ít thì được ít. Hay là cố tranh chấp, bon chen để giành, cướp được lộc thánh để mang về nhà ăn một mình.
Miếng lộc thánh quý khi nó được chia sẻ, khi chia sẻ chúng ta không hề mất lộc, mà lộc thánh càng chia sẻ, càng cho đi thì nhận lại được càng nhiều, càng trân quý. Khi xưa có những bà đi lễ về tay xách bọc lộc thánh đi trên đường gặp cụ già thì biếu chút lộc để chúc cụ sức khỏe sống lâu, gặp trẻ con thì cho chút lộc để chúc hay ăn chóng lớn, đến khi về nhà chỉ còn vài quả táo cái kẹo cho người thân cũng thấy vui.
Thứ 3 – Lộc thánh quý ở cái ý nghĩa chứ không quý ở vật chất.
Lộc thánh không phải thứ để nuôi sống chúng ta, đó như là một thứ hương vị thêm vào cuộc đời để chúng ta cảm nhận được tình thương và sự chở che từ Thánh. Nó giúp chúng ta có niềm vui và động lực để sống tốt hơn. Hiện nay có một xu thế mới là thích nhiều, thích độc, thích đắt. Khi đó tâm con người bị vật chất trói buộc, dẫn đến những hành vị cướp lộc, giành lộc mà quên đi chúng ta chỉ đến cửa Thánh ăn mày chút lộc rơi lộc vãi, cái lộc tâm linh chứ không phải tham lam miếng lộc thánh.
Chúng ta không phê phán những người mua đồ đắt để phát lộc, nếu nó phù hợp với kinh tế của họ thì cũng tốt. Nhưng chúng ta cần phê phán thói đua đòi, chơi trội, mượn cửa Thánh để khoe mình khoe mẩy. Thể hiện cái tầm thường trong sự linh thiêng.
Lộc thánh: Càng cướp được nhiều thì càng nhiều lộc?
Hiện nay có nhiều người nhiều nơi hiểu sai về miếng lộc thánh. Họ nghĩ cứ tranh giành, cướp được nhiều là mình nhiều lộc. Mà không biết rằng cái lộc lớn nhất để mong cầu là sức khỏe sự nghiệp và gia đình hòa thuận. Còn miếng lộc thánh chỉ là hình tượng vật chất thể hiện sự ban phúc lành, niềm vui từ nơi nhà Thánh.
Trong tín ngưỡng Thờ Mẫu không có quy chuẩn nào xác định việc phát lộc là những vật phẩm gì, nó phụ thuộc vào mùa vụ, vùng miền của địa phương. Miễn sao nó phù hợp với kinh tế, đẹp mắt và trang trọng.