Chầu Năm Suối Lân
Chầu Năm Suối Lân được thờ ở Đền Suối Lân ở Song Hóa Hữu Lũng Lạng Sơn.Đây là đền thờ chính của Chầu Năm.Tại đền Suối Lân còn là nơi thờ chính của của Cô Năm Suối Lân.Ngôi đền thường được gọi là Đền Chầu Năm Suối Lân
Thần tích về Chầu Năm Suối Lân
Có tài liệu cho rằng: "Chầu Năm vốn là người Nùng, dưới thời Lê Trung Hưng theo lệnh vua, chầu trấn giữ cửa rừng Suối Lân bên dòng sông Hóa, coi sóc khắp vùng sông Hóa. Ở đó chầu không chỉ trấn giữ nơi sơn lâm mà còn giúp dân làm ăn, dạy dân đi rừng, làm nương. Sau này, chầu hóa tại đó và hiển linh giúp dân thuần phục mọi loài ác thú, trừ diệt sơn tinh, ma quái. Tương truyền vào những đêm thanh, chầu hiện hình cùng 12 cô hầu cận bẻ lái giữa dòng sông Hóa".
Nhưng cũng có tài liệu cho rằng: Chầu Năm Suối Lân vốn là công chúa thời Lê Trung Hưng, vốn yêu thiên nhiên nên có xin vua cha lên sơn lâm để hưởng vui thú thanh nhàn. Đến vùng Suối lân cô thấy cảnh đẹp, địa linh nên đã dựng am để tu hành. Sau này, khi cô hóa thì Mẫu đã ban cho cô là Chầu Năm Suối Lân để cai quản vùng đất sơn lâm này.
Ngay trong văn của Chầu Năm cũng nhắc tới việc Chầu Năm giáng vào thời Lê Triều:
Giở trang tích cũ Lê triều,
Suối Lân công chúa mĩ kiều diễm hương
Nét đoan trang vẻ nhường ngọc tuyết
Đôi mày ngài nửa khuyết vành trăng....
Đền Chầu Năm Suối Lân
Đền Chầu Năm Suối Lân nằm ngay sát con đường quốc 1A tuyến Hà Nội - Lạng Sơn. Đền Chầu Năm nằm khá gần cụm đền Quan Giám Sát và Đền Chầu Lục. Đền Chầu Năm cách đền Chầu Lục 4.5 km, cách đền Quan Giám Sát 3.5 km.
Đây là một ngôi đền nhỏ, nhưng rất khang trang. Đền chính thờ Chầu Năm Suối Lân. Nằm bên cạnh phía bên trái là cung thờ chính của Cô Năm Suối Lân.
Điều đặc sắc của ngôi đền này là trước công đền là một khu chợ dịch vụ sầm uất nổi tiếng mà không nơi nào có. Khu này chỉ chuyên bán các loại dao từ dao băm, chặt đến dao chuyên phát rừng; các loại thớt gỗ từ gỗ nghiến từ nhỏ đến to. Đây có thể được coi là món quà lưu niệm của Chầu và Cô với các thanh đồng, con nhang khi về đến nơi đây.
Ngoài ra, bạn còn có thể mua làm quà cho gia đình món vịt quay Lạng Sơn cả con thơm ngon nổi tiếng
Chầu Năm Suối Lân Và Cung Nghênh Ngày Tiệc 20/5.
Suối Lân đích thực quê nhà
Chầu năm công chúa ngự tòa trên động sơn trang
Chầu Năm Suối Lân. Chầu Năm vốn là người Nùng, sống dưới thời Lê Trung Hưng. Vốn xưa, chầu Năm là công chúa thích cảnh đẹp thiên nhiên nên đã tìm nơi thanh vắng dạo chơi, đến đền cảnh Suối Lân nơi đây có dòng suối trong xanh, chảy suốt quanh năm thì chầu ở lại giúp dân. Theo lệnh vua, chầu trấn giữ cửa rừng Suối Lân bên dòng sông Hóa, coi sóc khắp vùng sông Hóa. Ở đó chầu không chỉ trấn giữ nơi sơn lâm mà còn giúp dân làm ăn, dạy dân đi rừng, làm nương, làm rẫy, khai hoang, trồng trọt.
Ơn bà bảo hộ gần xa an lòng
Khắp làng bản người nùng người thổ
Độ bốn mùa mưa gió hanh thông
Dạy dân phát rẫy vun trồng
Nếp nương khoai sắn thơm lừng gần xa
Sau này, chầu hóa tại đó và hiển linh giúp dân thuần phục mọi loài ác thú, trừ diệt sơn tinh, ma quái. Dạy người dân cách hái cây rừng về làm thuốc. Tương truyền vào những đêm thanh, gió mát, chầu hiện hình cùng 12 cô hầu cận bẻ lái giữa dòng sông Hóa. Theo hầu chầu có cô Năm Suối Lân ( Cô Năm Sông Hoá ). Tiên cô cũng là người giúp đỡ chầu Năm trấn giữ của rừng Suối Lân.
Thông thường thì Chầu Năm ít ngự đồng hơn là Chầu Lục, chầu chỉ thường ngự trong ngày tiệc vui hoặc những ai sát căn về chầu thì mới hay hầu. Tuy nhiên Chầu Năm cũng là vị chầu bà trên sơn trang nên có đôi khi người ta cũng thỉnh chầu về chứng tòa Sơn Trang. Chầu ngự về đồng thường mặc áo màu lam (bây giờ ở một số nơi, để tránh áo Chầu Năm trùng với áo Chầu Lục thì người ta thường dâng chầu áo xanh thiên thanh và coi đó là màu áo của dòng Suối Lân hoặc chầu cũng có thể mặc áo màu xanh như của Chầu Đệ Nhị), chầu khai cuông rồi múa mồi. Chầu Năm là vị chầu bà cũng có thể chứng cho con nhang đệ tử đội mâm giầu trình. Khi về đồng chầu cũng đốt đuốc sông đăng và múa mồi. Ban lộc sơn trang, chữa bệnh
Chầu Năm Suối Lân được lập đền thờ ngay bên bờ con sông Hóa, qua cầu Sông Hóa 2 thuộc huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn, tên là Đền Suối Lân, dòng suối Lân chảy cạnh đền quanh năm nước trong veo, xanh ngắt. Trong Tứ Phủ thì ngày tiệc của Chầu và Cô Năm đều là ngày 20 tháng 5 ( Âm Lịch ). Ai đi chiêm bái trên đất Lạng Sơn thì đều phải vào bái yết cửa Chầu và Cô Năm Suối Lân ( Một cửa vào là cửa Suối Lân do cô Năm cai quản, cửa ra là cửa Thất Khê do cô bé Đèo Kẻng trấn giữ ).
Trong hầu đồng của người miền trung thì giá chầu Năm ( có khi gọi là chầu ngũ ) được xem là tương xứng với chúa bà Ngũ Hành ( trấn giữ vùng núi Ngũ Hoành Sơn ).
Bản Văn Hầu Chầu Năm Suối Lân
Non xứ Lạng sơn lâm hùng vĩ
Đền Suối Lân cảnh trí phong quang
Nhang thơm tấu đến tòa vàng
Chầu Năm Sông Hóa đáo đàn chứng đây
Nhang thành kính tỏ bày một nén
Khói ngạt ngào thấu đến cửu thiên
Chính tòa Sông Hóa Chúa Tiên
Thánh Chầu đệ ngũ giáng đền chứng tâm
Đất Sơn Lâm quyền Chầu cai quản
Khắp thượng ngàn Xứ Lạng Tam Thanh
Suối Lân, Sông Hóa quyền hành
Thổ nùng thổ mán phục tình phải theo
Non đá mèo suối khe vực thẳm
Núi đá vôi rừng cấm vào ra
Nhờ ơn Đệ Ngũ Thánh Bà
Ơn bà bảo hộ gần xa an lòng
Khắp làng bản người nùng người thổ
Độ bốn mùa mưa gió hanh thông
Dạy dân phát rẫy vun trồng
Nếp nương khoai sắn thơm lừng gần xa
Dạy dân bản hái hoa làm thuốc
Gỗ cây rừng, thảo dược kỳ tâm
Ngược xuôi mộ đức mến ân
Chầu Năm sông Hóa Suối Lân thượng ngàn
Ngọc như ý soi đàng dẫn lối
Thuyền từ bi đưa khỏi sông mê
Suối Lân cảnh vật bốn bề
Thuyền từ Sông Hóa chèo về Lạng Sơn
Qua Kiệt Cùng rập rờn sóng nước
Lên Đồng Đăng biên giới Bắc Nam
Có phen chính ngự sơn trang
Bài sai thập nhị tiên nàng tới nơi
Chuông ba tiếng một hồi trống giục
Bộ sơn thần chầu phục đôi bên
Bách hoa chư vị nàng tiên
Hoa lan hoa huệ hoa sen hoa hồng
Hoa sim tím ngập ngừng e lệ
Hoa mận đào hoa quế hoa ban
Trăm hoa trăm sắc vẻ vang
Thanh tân yểu điệu dịu dàng tốt thay
Kim chúng đẳng nhớ ngày kị tiệc
Đôi mươi tròn ngũ nguyệt tháng năm
Tâm thành tấu khúc ca văn
Nguyện xin tiên chúa lai lâm độ trì
Tâm kính lễ tâu quỳ trước án
Nguyện xin Chầu lai giáng từ trung
Ban ân tiếp lộc cho đồng
Khuông phù đệ tử hưng long thọ trường