Như vậy trong vòng 49 ngày, âm hồn sẽ phải trải qua thời gian “phán xét” để quyết định việc tái sinh vào cảnh giới nào. Lễ cúng 49 ngày “ra đời” như một cột mốc quan trọng của người chết.
Tục lệ này còn có tên gọi khác là chung thất, là tín ngưỡng để tang của người Việt và là nghi lễ quan trọng không chỉ đối với người còn sống mà còn đối với người đã mất.
Ý nghĩa của việc cúng 49 ngày?
Đối với những âm hồn sau 49 ngày đã được phán quyết vãng sanh vào cảnh giới nào thì nghi lễ này như một buổi lễ thể hiện sự tưởng nhớ, tôn kính của người còn sống dành cho họ.
Tuy nhiên đối với những âm hồn vẫn chưa được quyết định họa sanh vào cõi giới nào, việc cúng chung thất nhằm để tạo phước đức, hướng âm hồn người chết nghĩ đến điều thiện, điều tốt lành. Ngoài ra, gia đình thân quyến người đã mất còn mong muốn dựa vào sức chú niệm của chư tăng ni mà giúp âm hồn người chết sớm được vãng sanh vào cảnh lành.
Do vậy, giỗ 49 ngày vô cùng quan trọng. Thân quyến của người quá vãng phải tổ chức ngày cúng tế nghiêm trang, thành tâm và tránh phạm phải những điều cấm kị.
Lễ cúng 49 ngày cần chuẩn bị những gì?
Người đã chết sau khi hỏa táng hoặc chôn cất sẽ trải qua giai đoạn trung gian, thọ thân trung ấm trong vòng 49 ngày. Âm hồn của họ trong thời gian này vẫn có thể hưởng được những vật phẩm mà thân nhân cúng nhưng chỉ hưởng được mùi vị của thức ăn. Cho nên trong thời gian cúng 49 ngày, gia đình thân quyến cần chuẩn bị kĩ càng, chỉn chu để người đã mất được ăn no, đủ đầy trước khi vãng sanh vào cảnh giới tương ứng với nghiệp báo của họ.