Cứ khổ sở, vất vả, đi xem bói là “có căn”?
“Cuộc sống của em rất khó khăn, hay mơ thấy ma quỷ nên em đi xem bói. Thầy phán em có căn Cô Chín, căn Ông Hoàng Bảy, phải mở phủ để hầu đồng, nếu không sẽ chết sớm giống bố em. Mẹ em cũng đi xem bói cho em, thầy cũng bảo em bị “bắt đồng” rất sát. Thấy bảo có căn tứ phủ phải đi trình đồng, hoặc tiễn căn nếu không cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn trắc trở, tai ương bất ngờ. Em chưa biết gì, nhà lại nghèo, làm đâu hết đó nên cũng muốn tìm một thầy đồng giỏi, có tâm với trò để giúp em ra đồng hầu. Nhưng em rất lo vì việc được biết việc mở phủ tốn rất nhiều tiền, khoảng 70 triệu đồng. Mở phủ xong còn lo các vấn hầu. Em rất muốn khất đồng vì chưa thể có khả năng để hầu”. Đó là tâm sự của một cô gái 29 tuổi và cũng là tâm sự của nhiều người đang gặp phải vấn đề “căn cao, số nặng”.
Ông Đàm Quang Vinh (thành viên Diễn đàn văn hóa phương Đông, Face book Hầu đồng theo pháp cổ) cho biết, theo tín ngưỡng thờ Mẫu (đạo Mẫu - hay đạo thánh Tứ phủ) lưu truyền trong dân gian thì người có “căn đồng” là người đã được các thánh “chấm đồng, bắt lính”. Hiểu đơn giản theo dân gian thì “có căn” là người có những nghiệp duyên, nghiệp chướng tiền kiếp. Khi “quả chín” sẽ phải chịu kiếp khổ sở, nhưng may mắn họ được các thánh chấm chọn cứu giúp trong đời này để có cơ hội làm công đức, làm việc phúc thiện để trả nghiệp dần (như người có tội được pháp luật cho phép đi làm công ích để giảm tội), nhằm chuộc lỗi lầm tiền kiếp để có cuộc sống an nhiên và sẽ viên mãn sau khi thoát sinh.
Cũng theo ông Đàm Quang Vinh, đạo Mẫu còn có thuật ngữ “có căn”, hay “sát căn”, “nặng căn” tương tự như “nghiệp quả”, “nghiệp chướng”, hay “căn nghiệp” trong đạo Phật - để chỉ những người nhạy cảm, dễ cảm nhận và tiếp xúc với sự linh ứng tâm linh. Có 3 cấp độ “căn đồng, số lính”. Nhẹ nhất là đội bát hương - trình trầu; cấp 2 là tiễn căn, cấp 3 là phải hầu đồng 1 năm vài vấn; cấp 4 là thờ Thánh tại gia (lập Điện thờ Thánh) - hoặc phải đến chùa, đền, phủ ở. Người có “căn” thường mạnh khỏe cả thể chất và tinh thần, nhưng hay rơi vào cảm giác ảo, thân mình bay bổng, hay mơ thấy thần thánh… Họ cứ đến nơi đền, phủ có hương khói, đàn ca, múa hát hầu đồng là thấy phiêu phiêu, mất kiểm soát nên phải múa may… có thể mất tự chủ - dấu hiệu này hoàn toàn khác với người bị bệnh tâm thần phân liệt.
Làm sao biết mình “có căn”?
Cũng theo ông Đàm Quang Vinh, trình đồng, mở phủ là nghi lễ trình diện - như lễ kết nạp người được chọn mới. Sau đó họ phải tìm thầy – là những thanh đồng lâu năm để học các lễ nghi, vũ đạo, hát văn, các lề lối vào giá, ra giá, trang phục, bày lễ... Sau khi được thừa nhận, họ sẽ làm lễ ra đàn để trở thành thanh đồng, mỗi năm phải lên đồng ít nhất một lần (vấn, khóa).
“Ngày nay, do nhiều người không hiểu về “căn đồng”, lại nhiều thầy tứ phủ xem bói vì tiền hơn vì tâm đã phán bảo về căn số để người dân phải trình đồng, mở phủ, khiến nhiều người sai lầm tâm linh, tự mua dây buộc mình, gia đình bất hòa, làm nhiều việc mê tín dị đoan sinh ra hao tiền tốn của và thời gian. Khi cứ nghe các thầy phán mình có “căn đồng” mà cố tình làm theo sẽ rất tốn kém. Vì một số thầy đồng không theo đạo Mẫu đúng đắn đã lôi kéo người dân tham gia để thu nhận đệ tử, vụ lợi, làm tiền. Việc biện lễ lớn còn làm mở rộng cái tâm tham, đua tranh giữa các tín đồ, và như thế càng có nhiều tội, đi ngược lại sở nguyện thánh thần là giúp con người vơi bớt tội lỗi”, ông Đàm Quang Vinh nhận xét.
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Dân gian, Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á cũng nhận định, xưa kia chỉ những người được cho là có căn, có quả thì mới ra hầu đồng lập phủ với mong muốn người có căn quả được thanh thản, nhẹ nhàng. Nhưng nay lượng người ra hầu đồng ngày một nhiều với không ít tư tưởng là hầu đồng để mà xin lộc Mẫu trong tiền tài, danh vọng thăng quan tiến chức. Từ đó kéo theo một chuỗi những sự trục lợi, làm méo mó đi nghi thức hầu đồng – một bộ phận của loại hình thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tốt đẹp vốn có.
“Việc bói toán bảo người này, người kia có “căn”, nhưng việc này chưa ai chứng? Xã hội tuy biến đổi, nhưng việc đạo đều có nền tảng, gốc rễ. Người dân không nên coi việc đạo là trừu tượng, mơ hồ, xa rời cuộc sống. Thực tế việc đạo, tâm linh cần vận dụng gần gũi đời thường sẽ chính đáng, quý giá hơn nhiều. Tín tâm thì việc đạo sẽ trang nghiêm, thanh cao. Nhưng sai lệch một chút là đạo sẽ không gần gũi với đời, còn bị mê hoặc, nhạo báng thì xấu hổ, ảnh hưởng tới cuộc sống và đạo”.