ĐỪNG VỘI VÃ
Ta thường nghe… “Đạo đồng là cõi phúc đời là dây oan”, “Sạch sành sanh còn manh áo đỏ”…
Cũng biết rằng: đời lắm thị phi đời đồng bóng lại càng lắm thị phi oan trái đủ loại rồi mỗi người mỗi phúc mỗi phần mỗi nghiệp mỗi duyên thử thách oan gia ma tà, chướng ngại đường tu lúc nào cũng có…vv
Và rằng: Tu đạo tại đời chứ chẳng phải chốn nào xa xôi ảo vọng cuộc đời phải có tu tập, có hy sinh và có cả tranh đấu… rất nhiều
Thế giới tâm linh ở ngay đây ngay tại đời này song song tồn tại rồi thì “sống nay chết mai” và “không gì là không thể xảy ra”
Đời người thực sự rất dài mà cũng có thể rất ngắn
Đời người tu đạo thì khác nó NGẮN lắm
Ngắn đến mức người ta muốn thành đạo phải tu hết kiếp này đến kiếp khác đến một kiếp nào đó đủ đạo đủ phúc đủ công đức lực bồi tích mới có thể có được hai chữ “thành đạo”.Nó là đích đến của người tu đạo nó gần gũi lắm nhưng cũng có lúc ảo vọng mông lung lắm
Ai có thể khẳng định một kiếp này là kiếp sẽ thành đạo? Ai có thể tự tin rằng chướng ngại chỉ còn kiếp này nữa là thôi…?
Đôi khi: Tưởng là vậy mà không phải vậy… Đích đến đôi khi đã ngay trước mắt, chỉ một bước chân, chỉ một cái chớp mắt là đã đến nơi… nhưng …ta vừa với tay thì đích lại ở đâu đó thật xa xăm, con đường hóa ra vẫn dài đằng đẵng… Ta phải tiếp tục đi, tiếp tục bước…Đích đến vẫn ở kia.
Vậy nên đôi khi ta PHẢI vội.
Bởi rằng:
Kiếp này, ta tốn mấy chục năm cuộc đời rong ruổi thất bại rồi thành công, cơ hành khốn khó, được rồi mất…nay mới tìm được về với đạo. Ta vội tu đạo, vội đọc sách vở kiến thức đạo, trình khăn áo rồi thực hành hầu hạ tỏa bóng các đền các phủ…
Đó là việc tốt.
Nhưng kiến thức đạo sách vở nguồn thông tin giờ nhiều quá, phong phú quá… Ta lao đầu vào tìm đọc những sách liên quan đến đạo, xem những video hầu hạ, video trả lời về đạo, về kinh nghiệm người đi trước, tham gia các hội nhóm, các bình luận và chia sẻ trên các trang mạng… đôi khi chính ta đôi lại bị cuốn vào những sự tranh cãi loạn ảo trên các hội nhóm, đúng đúng sai sai, phải phép và trái phép… Ta rút được vài kinh nghiệm và nhặt nhạnh thêm được 1 chút “kiến thức đạo chưa kiểm chứng” cho mình.
Những cuốn sách, những dẫn chỉ đạo của thầy đạo ta thôi… có khi ta còn chưa năm được 1/100, nhưng đọc đi đọc lại 5-7-10 lần, đọc mãi vừa như biết mà như chưa biết, cái gì cũng thấy quen quen… ta bỗng thấy có chút “nản”. Ta cần tìm cái gì đó mới. Ta tìm đọc thêm những tài liệu khác để tham khảo, đối chiếu, để “học” và mở rộng kiến thức đạo của mình… Ta không ngừng nỗ lực tìm – đọc, tìm…đọc… đối chiếu… có khi tự ta nhận ra điều gì đó… ta viết về nó…ta chia sẻ về quan điểm của mình… để bạn đồng đạo và bách gia cùng chiêm nghiệm… liên tục như vậy.
Ta có cảm giác mình càng ngày càng gần đạo hơn, ta “hiểu”đạo nhiều hơn, thậm chí còn cảm thấy có chút tự hào rằng mình đang “vì đạo”… đang khai mở cho những người u mê hiểu sai về đạo khác. Ta vui, ta tự hào và ta càng nỗ lực hơn…
Cũng tốt mà!!!
Ta có điều kiện đi tỏa bóng hầu hạ các nơi, tự ta xây dựng hoặc ta đứng ra kêu gọi đóng góp xây dựng, sửa sang đền điện phủ thờ Thánh để không chỉ ta mà còn bách gia cũng có điều kiện ngưỡng vọng chư Thánh anh minh, được biết thêm về đạo lành mà ta đang theo đuổi.
Tốt quá!!!
Đến lúc nào đó, ta trở thành đồng nhân lâu năm của đạo hoặc có năng lực hành đạo đây đó nổi danh hoặc có khi đã thành thủ nhang đền phủ tư – công đủ cả… Đúng với nguyện vọng được tôn cấp lập thờ Chư Thánh, được sớm khuya phụng sự sáng chuông chiều mộ nơi cửa Đền phủ, đúng với ước nguyện được “cận Thánh”, được phát dương đạo Thánh, được duy trì ngọn lửa đạo Thánh tối anh linh…
Đáng quý vô cùng!!!
NHƯNG…
Đường tu đạo Thánh ta không đơn giản. Dần dần ta bắt đầu trở nên quá “vội vã” trên con đường tu đạo của mình.
- Về những chia sẻ đạo học:
Ta không thể ra những bài viết về đạo liên tục hàng tuần, hàng ngày hay hàng tháng như những tuần báo hay theo đặt hàng. Bởi kiến thức đạo cần có sự chiêm nghiệm, cần đối chiếu, cần cả sự soi thấu dẫn đường từ thế lực tâm linh… Ta đâu phải đang chạy nước rút? Ta đâu phải viết bài để lấy doanh số hay nhuận bút?
Ta cần chữ duyên, chữ tâm, chữ tầm và cả chữ linh ứng. Sự linh ứng của thế giới tâm linh ấn điểm khiến ta chia sẻ những kiến thức thực sự có ích, hữu dụng và đúng thời điểm, đúng mục tiêu hướng về những người đang thực sự cần đến nó. Không bao giờ là cho tất cả mọi người, không bao giờ là tùy hứng. Người đạo sư của đạo nắm rõ điều này. Họ không vội vã, họ nói đúng việc, đúng người, đúng thời điểm và chỉ nói đủ.
Còn nếu khi nào đó ta thấy mình bị sốt ruột, bị thúc giục…viết ra điều gì đó về đạo, chia sẻ kiến thức nào đó về đạo…. không phải vì tâm ta muốn chia sẻ điều đã được cân nhắc kỹ lưỡng, trọn vẹn chỉnh chu từ câu chữ đến sự chiêm nghiệm, linh ứng… mà bởi thấy ai đó ra nhiều bài viết quá, xuất bản được sách về đạo hay quá, ai đó nói về đạo thường trực quá, kiến thức sâu rộng quá, nhiều người biết đến quá hoặc đang làm được nhiều việc cho đạo quá… ta cũng muốn giống họ, ta không muốn thua kém họ… Ta cố viết, ta chia sẻ, thậm chí tự bày vẽ ra các nghi lễ, những hội nghị, diễn thuyết … cái tiêu đề có thể kêu, cái ảnh phụ họa có thể hấp dẫn, các fan của ta hoặc người quen biết ta có thể vào comment ủng hộ không sót một ai…
Nhưng nhìn cho kỹ, người có đạo thực sự sẽ nhận ra ta đang chạy đua một cách vô thức, lời văn hay bố cục bài viết, diễn giải của ta lủng củng không định hướng, chỗ thò chỗ thụt, đôi khi cóp nhặt loạn xạ… Gọi là “trả bài”.
Mà “trả bài” cho ai? Cho chính ta? Thỏa mãn cái sự sốt ruột của chính ta chứ không phải ai khác. Những chia sẻ về đạo của ta lúc đó, vô tình góp thêm “rác” cho đạo chứ không có ý nghĩa như ta vẫn tưởng. Ta đang tự thụt lùi giữa lúc gồng mình để mong tiến lên.
Vậy ta vội vã để làm gì? Ta đang chạy đua với ai? Có cần thiết phải vậy không? Và quan trọng nhất là: kiến thức đạo của ta, những điều ta chia sẻ có thực sự hữu ích, đúng đắn? Nên xem lại.
Cá biệt có những kẻ copy đủ thứ vô tội vạ trên nhóm hội, rồi in ra bán bừa như một dạng “cẩm nang 1.000 câu hỏi vì sao…” khiến đồng nhân lệch lạc trong định hướng ngay từ đầu thì vừa là ngu dốt giả tu, vừa là đang phá đạo.
- Còn về những hầu hạ, phụng sự
Có lúc nào ta thấy tủi mình vì đồng anh lính chị đồng bạn đồng em được đi hầu hạ nơi nọ chốn kia còn mình thì chưa?
Có khi nào ta mong ngóng được hầu canh đàn tiền tỷ như ai kia nổi tiếng đây đó, muôn người bái vọng, gọi dạ bảo vâng…?
Có khi nào ta tự ti canh đàn của mình đàn nhỏ lễ nhỏ, ngân xuyến eo hẹp?
Ta đang thực hành hầu hạ chuẩn chỉ theo lề lối phép tắc. Ta theo nhà Thánh cả đời, hầu hạ cả đời…
Hãy tự vấn mình: Ta hầu hạ để làm gì? Để rước được bóng Thánh khai mở thần hồn, để tu tập. Hãy bám vào đó mà nhìn lại, định tâm lại.
- Còn hành đạo ư?
Là đồng nhân đặc biệt là đồng âm nhất thiết phải hành đạo tích âm phúc tạo công đức lực. Đương nhiên ta nên làm, phải làm và đã làm là phải chuẩn chỉnh, nhất tâm.
Vậy có khi nào ta chán nản khi thấy bạn đồng hành đạo được bách gia đây đó cậy sở, được nổi danh đông người biết đến còn mình thì nhất tâm nhất tín hành đạo chuẩn chỉnh mà chẳng mấy người nhờ vả?
Có khi nào ta thấy mung lung về dị năng của mình? Không biết đâu là đúng sai, đâu là loạn ảo?
Có khi nào ta ganh tỵ với những dị năng, những năng lực …của đồng nhân khác?
Có khi nào ta thấy bất lực với chính năng lực hay trí huệ của bản thân và cảm thấy sự yếu kém từ bên trong khi mình có thanh gươm quý (dị năng Thánh ban) mà chẳng thể xông pha đánh trận? Có đứng ngồi không yên và đôi lúc muốn từ bỏ?
Nếu có, ta đang quá vội vã.
Hãy xem lại bản thân mình.
Năng lực tâm linh cần được rèn luyện từ chính người sở hữu. Người có năng lực mà còn không có định hướng thì chẳng thể giúp được ai. Chỉ toàn loạn ảo, tay trái xem bói cho tay phải, anh chị em bản hội tự soi bói cho nhau… bàn luận, suy đoán… rồi lại sinh tâm tà, mất đi năng lực lúc nào không hay.
Hãy nhớ lại: Hành đạo để làm gì? Để tích âm phúc cho chính ta trước tiên (dù là để trả nghiệp hay để báo hồng ân gia tiên, để phúc cho con cháu…). Nhất thiết không phải để so với ai, so với người nào…
Người tu đạo muốn hành pháp phải dựa vào năng lực tâm linh là chính, nhưng để định được tâm mà dùng năng lực đó cần có kiến thức đạo (như anh pháp sư có các bài cúng, chạy đàn, các ấn quyết, anh soi tử vi cần thông thạo tử vi, anh làm phong thủy cần hiểu rõ địa lý, anh làm đồng dí cần nắm rõ cơ chế đóng mở luân xa và cơ chế định tâm- thả tâm khi làm việc để không phải vong nào cũng nhập được, anh làm đồng kêu đồng cầu cần nắm rõ các quy tắc kêu cầu, lễ bái; anh làm đồng chữa cần biết rõ về cơ chế hoạt động của cơ thể người, cách dùng năng lượng vũ trụ kết hợp các luồng khí trong cơ thể sống để chữa bệnh hay vận dụng các bài thuốc…).
Phải chắc từ cái gốc, cái cơ bản, không quên cái mục đích hành đạo, không quên cái sự tu đạo cả đời hành đạo cả đời…
Từ đó kết hợp năng lực tâm linh mới hữu dụng, mới không loạn ảo, mới làm được việc, mới giúp được người và có người đến cậy sở (âm dẫn).
Bởi chính cái định tâm kém và sự ảo vọng mà người ta có đủ lí do như khó khăn cuộc sống, như chờ này chờ nọ, hay đổ lỗi cho đủ thứ duyên nghiệp… để gác lại việc đạo sang một bên, gác mãi… rồi mải mê với những mối quan tâm hoặc những tự ảo khác… thành cơ tâm, kéo theo cơ đủ thứ. Là tại ai?
Và cái thời đại thông tin số này, tâm linh cũng gắn liền với sự phát triển của đời sống, anh có năng lực, không khoe khoang, không PR, không thêu dệt quảng bá… thì ít nhất hãy để người ta biết đến anh. Nếu không, cả vạn kẻ loạn ảo tâm linh đang lừa đảo thế nhân kia, anh bởi nông cạn cứ khư khư cái gươm báu mình có cùng sự loạn tâm chưa định của mình thì ai tin mà đến nhờ cậy? Anh sẽ giúp được ai? Lấy gì mà bảo là giúp đời, phát dương đạo?
- Lại nói: Danh tiếng - Địa vị
Cuộc đời người sinh ra chết đi nếu cứ bằng phẳng mãi, chẳng lên chẳng xuống, chẳng hạnh phúc chẳng khổ đau, chẳng thành công chẳng thất bại, chẳng nỗ lực, chẳng đua tranh…vì mình, vì gia đình hay những điều mình yêu thương, chẳng có sở thích hay đam mê, chẳng có tôn chỉ cuộc sống để phấn đấu đi lên… chỉ quanh quẩn …rồi về với đất thì phí phạm một kiếp nhân sinh quá.
Người tu đạo vượt qua luân hồi về với kiếp này chính yếu là để tu. Đã vào đạo mà không tu, không có thành quả, địa vị trong đạo thì thật sự là có chút kém cỏi.
Vậy nhất thiết phải có danh tiếng, có địa vị trong đạo ư?
NHẤT THIẾT CÓ.
Nhưng ai cho ta cái danh tiếng, cái địa vị đó?
Nên nhớ: Trong đạo tu: Chư Thánh cho ta địa vị đạo, Hậu thế cho ta danh tiếng đạo.
Người bề ngoài nổi danh thời điểm đó nhưng chưa chắc đã có đạo, đã đóng góp thực sự cho đạo. Cái bề ngoài rất khó định đoán.
Chỉ có Nhà Thánh anh linh soi chiếu tâm đạo, phúc đạo và công đức lực của đồng nhân mới có thể ban cho ta chức vị trong đạo, được là “đồng quan lính thánh”, được “an ngôi chính vị”. Thế giới tâm linh đạo công nhận điều đó. Người đồng quan đạo Thánh đi đến đâu vong ma phải cúi đầu, vào đền phủ hành sai nghiêng mình thậm chí lên chuông âm để đón, lời nói không nhiều nhưng hắng giọng tà ma phải nể phải chạy...
Chớ bị những thứ màu mè, danh hiệu, địa vị tầm thường của thế nhân phong cho nhau mà dẫn đến động loạn đường tu. Người nổi danh như cồn bởi mạng xã hội, bởi những tin đồn, những tung hô có thể đi vào quên lãng chỉ sau vài ngày bởi những “hiện tượng mạng” khác, người hiện đời đang ở chức vị cao cũng có thể trở nên bình thường thậm chí tầm thường khi thể chế biến động hoặc vận đổi sao rời là chuyện bình thường.
Mỗi người mỗi việc, mỗi phận sự… nhà Thánh đã giao trọng trách hãy làm cho tốt.
Lại nói: “Cổ nhân trồng cây, hậu thế hưởng bóng mát”
Những gì ta làm vì đạo hôm nay. Nếu thực sự vì đạo, vì thế nhân thì không chỉ hiện tại mà hãy để hậu thế những trăm năm sau, nghìn năm vạn năm sau chiêm nghiệm và được ân hưởng.
Tự ta khó lòng đánh giá, hiện đời cũng khó có thể có cái nhìn sâu xa. Chớ để những cái tung hô, những cái danh tiếng tạm thời khiến ta lung lay.
Mãn kiếp này nếu ân duyên ta được về với Chư Thánh cũng đâu đã là kết thúc? Ta vẫn về với Thánh để tu tiếp mà… Những vị hành sai thủ đền thủ điện… họ cũng đang tu đó… Rồi có những người kiếp trước phụng sự cửa Đình Thần, thậm chí có ngôi vị vẫn luân hồi về tu tập…
Vậy là đời nối đời, kiếp nối tiếp… ta vẫn muốn nương cửa Thánh, ta vẫn muốn luân hồi trở về nối tiếp đạo tu của mình.
Hãy có 1 phút dừng lại tự hỏi: Nếu ngày mai phải dừng kiếp nhân sinh này tại đây, tôi có muốn “vội vã” như vậy nữa không???
Chọn cho mình một hướng đi, một đích đến, một tôn chỉ đạo. Bước đi từ từ, từng bước một, vững chãi, có vấp ngã có đứng dậy, có thụt lùi có tiến lên, có sai có đúng, có đạt được có mất đi, có nắm giữ có buông bỏ, có cười có khóc, có tất cả.
... Nhân sinh vốn nên được tận hưởng…
Cuộc đời tu đạo lại càng nên trân quý…