BÀN VỀ ỨNG BÓNG,KHÁT BÓNG
Nhiều người đã có cơ duyên được đi lễ tại các Đền, Phủ...hoặc được ngồi dự hầu có thể thấy những người có biểu hiện như:
Khi nghe chầu văn hay xem hầu họ có cảm giác lửng lơ, quay cuồng, lắc lư liên tục thậm chí khóc hoặc không thể đi lại bình thường.
Vài người ốp bóng xưng là quan này quan nọ
Vài người thì ngẩn ngơ không kiểm soát được những hành vi của mình
Những người bị như vậy là những người có sự nhạy cảm đặc biệt về phần âm thường là đồng được ăn lộc xem bói
Gọi hồn… (sát âm).Trái lại những người làm về pháp hoặc hầu theo căn mệnh thì hiếm khi bị như vậy.
Trong bài viết này chúng ta hãy đi tìm hiểu nguyên nhân do đâu dẫn đến điều này!
Chúng ta thường cho rằng đó là do việc Thánh Ngài ốp vào người người trần gian. Nhưng quả thật điều rất khó bởi: các Ngài là những bậc Tiên đã đắc đạo ắt hẳn cao hơn loài người rất nhiều. Các Ngài phải trải qua quá trình tu đạo - hoàn thiện bản thân- chuyển hóa - tiến hóa - đắc đạo. Vì vậy không có lý do gì lại giáng vào một thân xác phàm trần, nơi con người dành cả đời để cầu đạo và tu tập bằng cả thân và tâm
Nghe câu:
“Người cầu đạo chứ đạo không cầu người
Nhân cầu Thần chứ Thần không cầu Nhân”
Câu nói trên ý nói khi các Ngài đã hóa Thánh thì mọi thứ cám dỗ trên cuộc đời này cũng chỉ hóa cát bụi. Quyền phép của các Thần là dùng để phổ độ chúng sinh, cứu dỗi và đưa con người đến những giá trị đạo đức tốt đẹp chứ các vị ấy không chờ đến việc chúng ta cúng, chúng ta dâng...thì mới ra tay cứu giúp cõi phàm trần. Hơn nữa, các bậc Tiên Thánh đều uy nghiêm, quyền năng. Vì vậy khi các ngài về khai thị, hành phép để cứu dân độ thế sẽ không có những hành động kì lạ như vậy. Nếu là Tiên Thánh Trắc giáng đầu đồng thì phải sang bóng sang đồng, uy nghiêm và thanh tịnh.
Theo quan niệm ngày xưa thì các cụ vẫn nói là do tủi đồng, khát bóng vọng cầu. Vậy tủi đồng, khát bóng vọng cầu là gì?
Những người khi dự hầu thậm chí cả những thanh đồng đã nhiều năm bắc ghế hầu Thánh, họ lắc lư, quay cuồng, khóc lóc ngay trên sập hầu hay dưới chiếu hầu mà chúng ta có thể nhìn thấy không ít lần thì người ta gọi đó là khát bóng vọng cầu hoặc theo một số người thì cho rằng đó là các Ngài trắc giáng ứng đầu đồng
----------//------------
Không biết tự bao giờ trên dải đất hình chữ S này, Đạo Mẫu đã song hành cùng những Đạo giáo khác phát triển và thâm nhập sâu vào đời sống tâm linh của người Việt ta.
Từ xa xưa người Việt cổ đã tôn sùng Mẹ Thiên Nhiên - vị thần khởi nguồn và tạo ra vạn vật. Công thêm tư tưởng Mẫu Hệ, đề cao vai trò của người phụ nữ. Vì vậy, họ suy tôn những nữ anh hùng có công với dân tộc, thần thánh hóa và biến các vị ấy thành những vị Thánh để thờ phụng.
Giá trị của Đạo Mẫu nguyên thủy là đề cao ba chữ Trinh - Hiếu - Từ, hướng con người ta đến lối sống tốt đẹp: Tấm lòng trinh bạch, sắc son - Hiếu thuận với cha mẹ, làng nước - Sống từ bi bác ái với mọi người.
Đặc biệt, Đạo thờ Mẫu tam phủ, tứ phủ với nghi thức Hầu Đồng đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh không chỉ được người Việt mà còn toàn thế giới công nhận. Bên cạnh đó hầu đồng hướng con người ta đến cuộc sống đầy đủ Chân - Thiện - Mỹ
Nói đến Đạo Mẫu cũng là nói đến các thanh đồng - những người mang trong mình giọt máu Đế Đình. Đó là những người đặc biệt bởi ẩn đằng sau lớp thân xác phàm trầm, họ có số hệ thiên cung. Được sinh ra đều có những sứ mệnh, có định hướng để tạo ra một xã hội tốt đẹp, hướng nhiều người đi theo những giá trị truyền thống, gieo vào tâm những người khác sự bình yên, thanh thản.
Tuy nhiên cho đến hiện tại vẫn chưa có một nghiên cứu hay quy chuẩn nào hoặc do sự hiểu biết của một số người còn hạn chế dẫn đến sự giác ngộ còn chưa sâu, chưa đi đến tận cùng giá trị của Đạo Mẫu nguyên thủy. Vì vậy, hệ lụy là nhiều người đi lầm đường lạc lối, mê muội. Xin nhắc lại, Đạo Mẫu là có thật, quyền uy và nhiệm màu đã hiển hiện khắp nơi nhưng đừng mê tín! Mê tín sẽ dẫn con người ta đến những điều viển vông, ảo ảnh.