Mẫu Thượng Ngàn là một trong ba Mẫu ở ngôi Tam Tòa được phụng thờ nhiều ở Đền ở Bắc Trung & Nam gắn liền với quản cai núi rừng.
Mẫu ngự trang phục màu xanh của núi rừng mặt đẹp phúc hậu ngồi ở tư thế thiền cùng với Mẫu Thiên Y A Na
(Ở Miền Bắc thần chủ là Mẫu Liễu Hạnh Công Chúa) và Mẫu Đệ Tam Xích Lân Thoải Cung.
Mẫu Thượng Ngàn có nhiều danh hiệu:
Mẫu Đông Cuông ( Đông Cuông Yên Bái)
Lê Mại Đại Vương (sắc phong Vua Lê)
Diệu Tín Thiền Sư (Mẫu đã đắc đạo Nhà Phật)
Lâm Cung Thánh Mẫu (Hiển thánh tại Đông Cuông)
Bà Chúa Sơn Trang Bà Chúa Thượng Ngàn
La Bình Công Chúa
Mỵ Nương Quế Hoa
Tam Toà Sơn Trang
Cõi Thượng Ngàn mà Mẫu Thượng Ngàn cai quản vốn xuất phát từ tín ngưỡng thờ Sơn Trang của đồng bào miền núi phía Bắc
Vì vậy nên còn thấy sự xuất hiện của Tam tòa Sơn Trang.
Dân gian cho rằng Mẫu Thượng Ngàn chính là vị đứng đầu Tam tòa Sơn Trang toàn bộ Tam tòa Sơn Trang
Nằm dưới quyền Mẫu hay cả ba vị Tam tòa Sơn Trang đều là những hóa thân của Mẫu.
Thanh Sơn Chính Phái Đệ Nhất Thượng Ngàn, sắc phong Lê Mại Đại Vương, hiệu viết Bạch Anh Quản Trưởng Sơn Lâm Công Chúa
Đệ Nhị Thượng Ngàn Cao Sơn Công Chúa Diệu Tín Thiền Sư
Đệ Tam Thượng Ngàn Sơn Trang Tàng Hình Diệu Nghĩa Thiền Sư
Thần Tích
Mẫu Thượng Ngàn có nhiều thần tích:
La Bình Công Chúa
Mỵ Nương Quế Hoa
Phù Trợ Nhà Lê
Giáng Sinh Nhà Họ Cao
Sự Tích La Bình Công Chúa
Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn giáng sinh là con gái của Sơn Tinh và công chúa Mỵ Nương. Lúc còn trẻ, Mẫu là một cô gái tài sắc vẹn toàn, đức hạnh, được cha mẹ đặt tên là La Bình. La Bình thường được cha cho đi cùng, đến khắp mọi nơi, từ miền núi non hang động đến miền trung du đồi bãi trập trùng.
Trong bản làng nơi Tản Viên Sơn Thánh cai quản, Ông đã dạy dân từ chăn nuôi gia súc đến săn bắn thú dữ, từ trồng lúa nương đến trồng cây ăn quả đến việc đắp ruộng bậc thang, trồng lúa nước hay dựng nhà dựng cửa, hái cây thuốc chữa bệnh. Ông thường cùng các vị Sơn Thần, tù trưởng luận đàm thế sự và bàn soạn công việc. La Bình Công Chúa luôn được theo cha nên La Bình học được rất nhiều điều hay từ cha.
Trẻ tuổi vốn thông minh sáng dạ từ nhỏ, lại bản tính chăm chỉ thực hành nên việc gì La Bình cũng biết, cũng giỏi. Những khi cha bận việc hay không thể đi khắp những nơi mà dân chúng cần đến thì La Bình được cha cho đi thay. Những lần như thế, La Bình ông Chúa luôn tỏ ra là một người đẩy bản lĩnh, biết tự chủ trong ăn nói tiếp xúc, lại biết thành thạo mọi công việc.
Các vị Sơn Thần, tù trưởng đặc biệt quý trọng nàng, coi La Bình là người đại diện xứng đáng cho Sơn Tinh. Bản thân La Bình chẳng những hòa hợp, ân cần với mọi người mà còn rất thân thuộc, quyến luyến với phong cảnh, từ cây cỏ hoa lá đến hươu nai chim chóc,... Khi Cha và Mẹ La Bình theo lệnh của Ngọc Hoàng Thượng Đế trở về trời thành 2 vị thánh bất tử thì La Bình được phong là Công Chúa Thượng Ngàn, thay cha đảm nhận công việc dưới trần. Trong coi 18 cửa rừng, 36 cửa bể của nước ta.
La Bình Công Chúa trở thành Bà Chúa của miền núi và trung du, La Bình vẫn luôn chăm chỉ, hàng ngày hết sức làm tròn các trọng trách của mình. Bà dạy bảo các loài thú phải biết sống hòa hợp với nhau, dạy chúng đừng ăn các loại quả độc, nấm độc, biết tránh khỏi những cây cối đổ, những cơn lũ quét,... Bà dạy bảo con người cũng thật chu đáo, tỉ mỉ. Những gì cha bà đã dạy, bà đều đem ra áp dụng.
Khi tiếp xúc với các tù trưởng, bà cũng học thêm ở họ được nhiều điều. Thế là bà lại đem những điều hiểu biết mới đi truyền bá ra rộng rãi. Bà cải tiến và hoàn thiện thêm những gì mà trước kia, ở cha bà mới chỉ là bắt đầu. Làm nhà không những đã chắc chắn, lại còn phải biết chạm trỗ cho thật đẹp đẽ. Ở mũi các thuyền độc mộc cũng thế, có khắc cả hình 2 đầu rồng chạm hẳn vào nhau. Cách nấu nướng thức ăn, chẳng những chỉ có kho, luộc mà còn chế thêm ra được nhiều món mới.
Rồi công việc đồng áng, bà dạy mọi người cách lấy ống bương để dẫn nước từ khe núi xuống. Lại đi phân phát hạt giống, cho nên nơi nào cũng có cơm dẻo nếp thơm. Trong các con vật nuôi trong nhà, bà đem về nhiều thêm giống gia súc mới. Lại trồng thêm nhiều giống cây ăn quả. Rồi trồng cả những hoa thơm cỏ lạ lấy từ trên núi rừng về.
Ngọc Hoàng Thượng Đế còn ban tặng cho bà thêm nhiều phép thuật thần thông, đi mây về gió và trở thành vị Thánh Bất Tử để luôn luôn gần gũi, gắn bó với cõi trần, vĩnh viễn ở miền trung du và núi non hùng vĩ. Khi dân chúng sinh sôi nảy nở ra thêm, từ miền núi non và trung du tràn xuống các miền đồng bằng và ven biển, đã mang theo những các thức mần ăn và phong tục tập quán từ hồi còn ở trong rừng, dưới sự bảo ban dìu dắt của Bà Chúa Thượng Ngàn.
Cùng với nhiều vị thần thánh khác, Mẫu Thượng Ngàn vẫn ngày đêm lặng lẽ âm phù cho sự bình yên của mọi người dân nước Việt. Nhiều người gọi bà là Mẫu, một cách vừa trìu mến gần gũi mà cũng vừa tôn kính.
Phù Trợ Nhà Lê
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam ta, khởi nghĩa Lam Sơn, lúc lực lượng nghĩa quân còn yếu, đang đồn trú ở Phản Ấm thì quân Minh kéo đến bao vây. Nghĩa quân người ít chống cự không nổi, phải tan tác mỗi người một nơi. Trong đêm tối, Mẫu Thượng Ngàn đã hóa phép thành bó đuốc lớn, soi đường cho quân sĩ, tập hợp và dẫn dắt họ đi vào đất Mường Yên, về trại núi Chí Linh. Ánh đuốc thiêng của Bà Chúa Thượng Ngàn chỉ quân sĩ của Lê Lợi mới thấy được, quân giặc Minh không thể nào nhìn thấy.
Ở Chí Linh, nghĩa quân vừa sản xuất vừa tập luyện và tập hợp, phát triển thêm lực lượng. Thật gian khổ, lắm phen không còn lương thực, phải lấy củ nâu củ mài thay cơm, nhưng nhờ sự che chở của Bà Chúa Thượng Ngàn, quân đội của Lê Lợi vẫn ngày càng thêm lớn mạnh. Quân Minh nhiều lần đến ba vây cũng đành phải chịu rút về. Từ Chí Linh, quân Lê Lợi tiến vào giải phóng Nghệ An, Thuận Hóa. Sau đó, với những trận thắng oanh liệt ở Tốt Động, Chúc Động, Chi Lăng và cuối cùng, bao vây quân Minh ở Đông Quan để kết thúc cuộc chiến, lập lại hòa bình cho nước Việt.
Nhân đức âm phù giúp đỡ của Bà, nhân dân ta suy tôn Bà là Thánh Mẫu Thượng Ngàn, lập đền thờ Mẫu Thượng Ngàn tại Bắc Lệ ghi nhớ Ơn Phước của Mẫu Thượng Ngàn. Về sau những người đi rừng muốn được bình an, thường đến cầu xin sự phù hộ, che chở của Mẫu. Ai muốn khai thác hay săn bắn cái gì trong rừng cũng phải hương khói, sắp lễ khấn xin Mẫu Thượng Ngàn chấp thuận.
Sự Tích Mỵ Nương Quế Hoa
Ngày xửa ngày xưa, Vua Hùng Vương có vị Hoàng Hậu mang thai đã lâu và chưa sinh được. Vua và bá quan văn võ rất lấy làm lo lắng, được thời gian thì thấy cũng quen và không sợ nữa. Ba năm sau, trong lúc Hoàng Hậu đi dạo chơi trong rừng, cơn đau bụng bất ngờ ập đến, chẳng có nơi nào để sở. Bà bèn ôm vịn lấy cây quế, sau một hồi sinh được một cô con gái. Trong lúc sinh vì quá kiệt sức, Hoàng Hậu đã qua đời và đặt tên con là Mỵ Nương Quế Hoa.
Mỵ Nương lớn lên xinh đẹp nết na, ngoan hiền, đến tuổi cập kê mà không quan tâm đến ai, trong lòng chỉ canh cánh nhớ tới mẹ. Mỵ Nương hỏi cha và biết rõ sự tình, công chúa Mỵ Nương quyết chí đi vào rừng tìm nơi mẹ đã sinh ra mình, lòng cô không nản khi gặp khổ ải gian lao, thú dữ hiểm nguy. Mỵ Nương nhìn thấy những cảnh cơ cực nghèo khổ đói của dân chúng trong nhưng buôn làng nàng đã đi qua khu rừng. Những lúc như thế, Mỵ Nương luôn trăn trở nghĩ cách gì đó giúp cho những người nghèo khổ kia.
Một đêm nọ, rừng núi âm u, nàng linh cảm trong người có hơi ấm của người mẹ đã sinh ra nàng, Mỵ Nương thốt lên gọi: "Mẹ ơi, Mẹ ơi". Bỗng đâu xuất hiện Tiên Ông, có lẽ ông đồng cảm được suy nghĩ trong lòng của nàng nên ông đã ban cho Mỵ Nương phép thần thông dời non lấp bể, cứu dân độ thế,... Khi Mỵ Nương có phép thần thông, còn được Tiên Ông ban thêm một quyển sách quý, nàng đã cùng 12 hầu nữ ra sức đi giúp đỡ người dân nghèo trong cảnh cơ cực, giúp họ có cuộc sống nhà cửa đầy đủ trong các buôn làng.
Sau khi buôn làng được cuộc sống đầy đủ ấm no, trù phú. Ngày nọ, có một đám mây ngũ sắc chầu xuống đón Mỵ Nương cùng 12 hầu nữ bay lên trời. Từ đó, nhân dân trong buôn làng đã lập đền thờ, suy tôn Công Chúa Mỵ Nương là Mẫu Thượng Ngàn, thường niên chiếu lệ mở hội vào ngày mồng 01 tháng 04 âm lịch để ghi nhớ Ơn Phước của Mẫu Thượng Ngàn.
Giáng Sinh Nhà Họ Cao
Mẫu Thượng Ngàn giáng sinh vào cửa nhà họ Cao, một người tù trưởng trên đất Yên Bái. Sau đó nhiều lần bà hiển linh, dạy dân trồng trọt, làm ăn, lên rẫy làm nương, đi rừng, làm ruộng bậc thang nên được nhân dân suy tôn là: ‘Bạch Anh Trưởng Quản Đỉnh Thượng Cao Sơn Thần Nữ Cao Mường Sơn Triều’. Sau này bà lại linh ứng giúp vua Lê Thái Tổ nên được gia phong là ‘Lê Mại Đại Vương’.
Đền Thờ Mẫu Thượng Ngàn
Mẫu Thượng Ngàn được dân gian tôn thờ và chính là Bà Chúa của núi rừng, từ cổ chí kim dẫn dắt con cháu vững bước đi lên.
Mẫu hiển ở mọi nơi, lúc ở miền rừng núi rồi xuống đồng bằng. Vì vậy, khắp nơi nơi dân lập đền thờ phụng Mẫu Thượng ngàn rất trang nghiêm. Tuy nhiên, Ngự nơi chính của Mẫu vẫn là vùng núi non và các cửa rừng.
Những người đi rừng, muốn được bình yên, vạn sự tai qua nạn khỏi, thường đến cầu xin sự che chở, phù trợ của bà. Ai muốn săn bắt hay khai thác thứ gì trong rừng, cũng đặt lễ, thắp hương, cầu xin để được bà chấp thuận.
Mẫu Thượng Ngàn thờ ở nhiều nơi, trong đó có ba nơi chính:
Đền Đông Cuông (Yên Bái)
Đền Bắc Lệ (Lạng Sơn)
Đền Suối Mỡ (Bắc Giang)
Đền Đông Cuông
Đền Công Đồng Bắc lệ
Đền Bắc Lệ tọa lạc tại khu Nam phố Bắc Lệ, thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Đền đã trải qua 5 lần tu sửa tu tạo vẫn mang đậm chất nét cổ xưa lúc đầu. Đền là một trong những nơi thờ chính Mẫu Thượng Ngàn và Chầu Bé.
Năm 1919, đền là một nơi thờ nhỏ bị hỏa họa, nhân dân gom góp xây dựng lại một ngôi đền với ba cung: đệ nhất, đệ nhị & đệ tam.
Năm 1992 Đền Công Đồng Bắc Lệ được Lạng Sơn xếp hạng là di tích lịch sử tâm linh.
Khi bước đến là cổng tam quan uy nghi lừng lẫy, bước qua cổng vào bên trong đền với bên trái là cung Chầu Bé Bắc lệ. Nhìn vào trong cung, có tượng Cô Bé & Cậu Bé Bắc Lệ hầu hai bên Chầu Bé.
Đền Suối Mỡ
Theo như lời kể truyền lại thì Công Chúa Mỵ Nương là người có công mở thác Vực Mỡ đưa nước về cho dân khai hoang trồng trọt, lập làng xóm. Đền Thượng tọa lạc ở lưng chừng núi Vực Mỡ, đối diện có Hang rất cao, cây cối um tùm xanh mát quanh năm. Đền trung nằm ở hữu ngạn dòng suối, trong khoang gian rộng rãi thoáng mát. Cạnh đó là dòng nước suối trong lành róc rách chảy suốt tháng ngày đổ ra cửa Đền Hạ.
Đền Suối Mỡ là ngôi đền có quy mô lớn, hàng năm thu hút rất nhiều khách thập phương về lễ đền. Ở đây còn có 1 thần tích bí ẩn muôn đời là 5 nọn thác luôn chảy ra nước trắng xóa, rất đẹp, tương truyền đây là 5 ngón tay của Công Chúa Mỵ Nương ấn nhẹ xuống sẽ tuôn ra dòng nước tưới cho đồng ruộng được tươi tốt.
Tương truyền, Đền Suối Mỡ thờ Mẫu Thượng Ngàn được khởi công xây từ thời Vua lê. Qua nhiều triều đại phong kiến có rất nhiều sắc phong công đức Mẫu thượng Ngàn.
Đền Suối Mỡ tọa lạc tại xã Nghĩa Phượng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Đền gồm 3 nơi chính (Thượng, Trung & Hạ) và các đền khác:
Đền Thượng
Đền Trung
Đền Hạ ( Công Đồng Suối Mỡ)
Đền Chúa Thượng Ngàn
Đền Trần Triều- Đền Cô Bé Cây Xanh
Đền Bò thờ công chúa Lê Chân, con gái Vua Hùng
Đền Quan Bắc Quốc
Mồng 1 tháng 4 thường năm, nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội tại Suối Mỡ tưởng nhớ Mỵ Nương Quế Hoa là công chúa con Vua Hùng Vương thứ XVI được nhân dân suy tôn là Mẫu Thượng Ngàn, Bà là người có công khơi dòng suối mát này, có công khai phá đất đai, dạy nhân dân nhiều cái để có cuộc sống ấm no.
Đền Thượng
Thờ vọng Mỵ Nương Quế Hoa Công Chúa, đền có lối kiến trúc rất độc đáo, được lấy 1 tảng đá lớn làm mái, các khối đá xung quanh thì làm tường, gian trong rộng, còn ban thờ thì khi nhìn vào lại ngạc nhiên hơn cũng là đá nguyên khối.
Sau này, đền được mở rộng xây dựng thêm các gian thờ khác như Ban Sơn Trang, Sơn Trang Ngọc Động. Động thờ 3 vị Chúa Sơn Trang, 36 Cô Sơn Trang và thờ thêm Quan Hoàng Bảy, Quan Hoàng Mười. Động được trang trí các cây hoa, lá kết hợp với ánh sáng đèn nhiều màu sắc trông rất tráng lệ, nguy nga.
Đền Trung
Theo thần tích thì Mỵ Nương Quế Hoa cùng các vị già làng chọn nơi đây làm nơi họp, bàn bạc đưa ra các cách bày dạy nhân dân làm lúa, trồng cây để cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đền nằm trên mảnh đất có vị trí như 1 hòn đảo được bao bọc bởi suối và cây xanh tạo nên vẽ tĩnh mịch, huyền bí và linh thiêng cho ngôi đền. Có vị trí tựa sơn đạp thủy, nối giữa đền và bên kia đất liền là một cây cầu bán nguyệt, lối đi duy nhất vào đền. Trong Đền thờ Vua Cha Bát Hải Động Đình, Tam Tòa Thánh Mẫu, đặc biệt là Mỵ Nương Quế Hoa (Mẫu Thượng Ngàn), Hội Đồng Các Quan,....
Đền Hạ
Cuối cùng là Đền Hạ, là một trong ba ngôi đền có diện tích lớn nhất trong quần thể đền Suối Mỡ. Tọa lạc tại tỉnh lộ 293 trên thế đất "Hoành Long" có núi Tai Voi làm án ngăn chặn tà khí bay vào và giữ long khí do long mạch bên trong đầy ra.
Bước vào đền Hạ là Cổng Tam Quan sừng sững, được xây theo kiến trúc cột giả quấn tò vò, đao mái cùng các cấu trúc trang trí hoa văn sắc sảo như rồng, phượng. Cổng Tam Quan có 1 cửa chính và 2 cửa phụ là cửa Long và cửa Hổ, khách vào tham quan đền theo cửa Long và ra cửa Hổ.
Sau nhiều năm chiến tranh tàn phá, đền đã được trùng tu nhiều lần và đẹp lộng lẫy nhát vào thời Hậu Lê thế kỷ XV - XVI, theo kiến trúc chữ "Tam". Đền thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn, Chúa Sơn Trang, Chúa Đệ Tam, Quan Trần Triều, bên ngoài còn có am Cô Bơ.
Kết Luận
Mẫu Thượng Ngàn là hiện thân của bà mẹ rừng núi bày dạy nhân dân cách chăm lo cho cuộc sống, phù trợ nhiều đời Vua nước ta chống giặc ngoại xâm qua hình ảnh truyền thuyết kể lại là La Bình Công Chúa & Mỵ Nương Quế Hoa.