Làm sao để biết người sắp lâm chung sẽ sanh về cảnh giới nào? Bài viết sau đây mang lại cho độc giả cái nhìn tổng quan nhất về cách chúng ta đầu thai sang kiếp sau.
Có người trước khi tắt thở tay chân run rẩy, gân mạch co rút lại. Lúc ấy chúng ta biết tạng phủ của người này đang vô cùng đau đớn. Sự đau đớn đó thấm đến từng lỗ chân lông.
Có người trước khi tắt thở, sắc mặt nhợt nhạt, hơi thở khò khè, thân mình run rẩy. Ta biết lúc ấy lục phủ ngũ tạng của họ lạnh buốt như băng tuyết, chịu muôn vàn đau khổ.
Có người trước khi tắt thở, hơi thở ra rất nhiều, mà hơi hít vào lại rất ít; da bị ửng đỏ, tinh thần mê man. Bấy giờ người này sức lực suy kiệt dần dần.
Phần nhiều con người trước khi tắt thở thường trải qua ba giai đoạn như trên, rồi trút hơi thở cuối cùng ra đi. Người chết rồi biểu hiện ra từng tướng trạng nơi khuôn mặt và thân thể, qua đó chúng ta biết người đó sanh về cảnh giới lành hay dữ. Có 6 cõi giới (Cõi địa ngục, cõi quỷ đói (ngạ quỷ), cõi súc sanh, cõi người, cõi trời, cõi Thần Thánh,) chúng sanh sau khi chết sẽ theo nghiệp lực (nghiệp quả) tái sanh về cảnh giới tương ứng.
I. Cách nhận biết người sắp chết sẽ sanh về cảnh giới nào?
1. Người chết có những biểu hiện sanh vào địa ngục
– Có người trước khi chết, đưa hai tay lên quờ quạng trên hư không.
– Có người trước khi chết, kêu gào la khóc.
– Có người trước khi chết, đi đại tiểu tiện ra ngoài mà không hay không biết.
– Có người trước khi chết, hai mắt nhắm lại không dám mở ra.
– Có người trước khi chết, thường xoay mặt vào vách, hoặc úp mặt xuống giường.
– Có người trước khi chết, cố nằm nghiêng mà ăn, mình mẩy, miệng mồm hôi hám.
– Có người trước khi chết, hai chân run rẩy, sống mũi siêu vẹo.
– Có người trước khi chết, hai mắt đỏ ngầu.
– Có người trước khi chết, thân hình co rút lại.
Khi đó, hơi lạnh từ trên đầu xuống đến bàn chân người bệnh, rồi hơi ấm trụ nơi bàn chân. Trường hợp đó, ta biết người này sẽ đọa vào cảnh giới địa ngục xấu ác.
2. Người trước và sau khi chết có những biểu hiện sanh vào ngạ quỷ
– Có người trước khi chết, ưa lè lưỡi liếm môi.
– Có người trước khi chết, thân hình nóng như lửa đốt.
– Có người trước khi chết, khát nước, đòi ăn uống liên tục.
– Có người trước khi chết, hai mắt trợn lên không nhắm lại.
– Có người trước khi chết, không đi tiểu tiện mà đi đại tiện rất nhiều.
– Có người trước khi chết, đầu gối bên phải lạnh trước.
– Có người trước khi chết, hai bàn tay nắm cứng lại. Đây là biểu hiện của lòng bỏn xẻn nuối tiếc của cải tài sản, vợ con…
Khi đó, hơi lạnh dần dần đi xuống hoặc từ dưới bàn chân đi lên đến đầu gối người bệnh, rồi hơi ấm dừng ngay đầu gối. Trường hợp đó, ta biết người này sanh vào cảnh giới ngạ quỷ xấu ác.
3. Người trước khi chết có những biểu hiện sanh vào súc sinh
– Tâm quyến luyến, không muốn rời xa vợ con, chồng con, người thân.
– Có người trước khi chết, tay chân co quắp lại.
– Có người trước khi chết, thân mình toát ra mồ hôi.
– Có người trước khi chết, nói nămg hổn loạn.
– Có người trước khi tắt thở, miệng hay ngậm đồ ăn.
Khi đó, hơi lạnh từ trên đầu xuống (có người lạnh từ dưới bàn chân lạnh lên) rồi dừng lại ở bụng người bệnh, hơi ấm trụ tại đây. Trường hợp đó, ta biết người này sanh vào cảnh giới súc sanh đau khổ.
4. Người trước khi chết có những biểu hiện sanh vào cõi Người
– Có người trước khi chết, lòng vui vẻ, miệng mỉm cười.
– Có người trước khi chết, thân không bị các sự đau khổ hành hạ bức bách.
– Có người trước khi chết, con cháu người thân thương yêu gần gũi.
– Có người trước khi chết, dặn dò con cháu, hoặc để di chúc lại rõ ràng, sáng suốt.
– Có người trước khi chết, thể hiện lòng tôn kính tam bảo: Phật, Pháp, Tăng.
Khi đó, hơi lạnh từ dưới chân lên đến ngực rồi hơi ấm trụ tại đây. Trường hợp đó, ta biết người này sanh vào cõi Người.
5. Người trước khi chết có những biểu hiện sanh về cõi trời
– Người trước trong suốt cuộc đời, lòng luôn quý mến mọi người.
– Có người trước khi chết, tinh thần tỉnh táo.
– Có người trước khi chết, thân thể không hôi thối.
– Có người trước khi chết, sống mũi không siêu vẹo.
– Có người trước khi chết, tâm không buồn giận, sợ sệt, chán nản.
– Có người trước khi chết, không lưu luyến tài sản, của cải, nhà cửa, vợ con.
– Có người trước khi chết, ngửa mặt mỉm cười mà đi thật thanh thản.
Khi đó, hơi thở lạnh từ dưới chân lên đến trán rồi hơi ấm dừng ở đó. Trường hợp biểu hiện này rất tốt, ta biết người này sanh về cõi trời.
6. Người trước khi chết có những biểu hiện sanh về cõi Phật A Di Đà
– Có người trước khi chết, tinh thần tỉnh táo,
– Có người trước khi chết, biết trước ngày giờ ra đi.
– Có người trước khi chết, tắm rửa thay quần áo.
– Có người trước khi chết, niệm Phật không dứt
– Có người trước khi chết, ngồi ngay thẳng mà đi.
– Có người trước khi chết, mùi thơm lạ bay khắp phòng.
– Có người trước khi chết, được hào quang Phật chiếu sáng vào thân thể.
– Có người trước khi chết, nghe nhạc Trời trổi lên giữa hư không.
– Có người trước khi chết, tự nói ra bài kệ để dặn dò mọi người.
Khi đó, hơi lạnh từ dưới lòng bàn chân lên đến đỉnh đầu rồi hơi ấm dừng lại ở đây. Trường hợp đó, ta biết người này vãng sanh về cõi Phật.
II. Người sau khi chết sẽ thác sanh vào cảnh giới nào?
Về phương diện dứt hết nghiệp, tức không còn mầm mống sanh tử nữa, thì sau khi chết không có sanh đi đâu hết, vì người tu khi đã đạt được cứu cánh Niết bàn rồi, thì hằng an trụ nơi thể tánh vô sanh. Đó là mục đích cứu cánh của người tu. Nếu còn sanh, chứng tỏ công phu tu hành của hành giả chưa viên mãn.
Có lần, các vị Tỳ kheo hỏi Phật: Một vị A la hán sau khi chết sanh về đâu? Phật trả lời: “Như củi hết lửa tắt”. Củi là dụ cho nghiệp, lửa là dụ cho bản thể. Củi hết là dụ cho nghiệp không còn. Vì hễ còn nghiệp là còn sanh, hết nghiệp là hết sanh.
Hiện tượng thì có sanh diệt, còn bản thể thì làm gì có sanh diệt? Như sóng thì có sanh, có diệt, còn chất ướt của nước thì không sanh không diệt.
Như vậy, khi lửa tắt không thể nói lửa sanh về đâu. Cũng như sóng dừng, thì không thể hỏi sóng đi về đâu. Khi hiện tượng lặng dừng thì trở về bản thể, chớ không có sanh đi đâu hết.
Tuy không sanh đi đâu, nhưng các Ngài vẫn tùy duyên ứng hóa. Do đó, mà chúng ta thấy chư Phật, Bồ tát thường ứng thân thị hiện khắp nơi để độ sanh.
Đối với các Ngài sanh mà không sanh, diệt mà không diệt. Vì các Ngài không còn thấy có tướng sanh diệt, tới lui, như phàm phu chúng ta nữa.
Về phương diện còn nghiệp, sau khi chết, tất nhiên là còn sanh. Vì còn vô minh phiền não, tất nhiên, là còn có tướng sanh diệt, tới lui, đến đi.
Luận về phương diện nầy, chúng tôi xin được y cứ vào Kinh điển Phật Tổ chỉ dạy để nêu ra ba luận cứ để chứng minh.
1. Y cứ vào luật nhân quả
Căn cứ theo luật nhân quả, hễ chúng ta gây tạo nhân nào thì sẽ gặt hái quả đó. Nếu như hiện đời chúng ta chuyên gây tạo nghiệp lành, thì sau khi chết tất nhiên là chúng ta sẽ thác sanh về cảnh giới lành.
Kinh Pháp Cú Phật dạy:
Dục tri tiền thế nhân
Kim sanh thọ giả thị
Yếu tri lai thế quả
Kim sanh tác giả thị.
Nghĩa là: Nếu muốn biết cái nhân đời trước của mình đã gây tạo như thế nào, thì hãy xem cái quả báo hiện tại mà mình đang mang đây. Nếu muốn biết cái quả báo đời sau của mình như thế nào, thì chúng ta hãy nhìn kỹ lại cái nhân hiện tại mà mình đang gây tạo. Như vậy, nếu hiện tại mình làm điều lành như bố thí, cúng dường, ăn chay, giữ giới, niệm Phật … thì chắc chắn đời sau mình sẽ hưởng quả báo tốt đẹp.
Xin tạm nêu ra đây hai thí dụ cụ thể để Phật tử hiểu rõ hơn. Thí như anh B chuyên đam mê cờ bạc, hằng ngày anh ta thường hay đi vào casino để đánh bài. Đó là vì anh ta nghiện cờ bạc quá nặng. Khi không thấy anh ấy ở trong nhà, nếu muốn biết hắn ở đâu, thì cứ đi vào sòng bạc là sẽ gặp anh ta ngay. Sòng bạc là “quả ”, dụ cho cảnh giới mà anh B sẽ đến. Nghiện cờ bạc là “nhân”. Vắng nhà là dụ cho sau khi chết.
Một ví dụ khác, như có một Phật tử thường xuyên tới chùa tu học làm công quả hằng ngày, đó là nghiệp nặng đi chùa. Tất nhiên đây là nghiệp lành. Hành động thường tới lui chùa, đó là cực trọng nghiệp. Ngày nào không đi là không được. Chùa là dụ cho cảnh giới lành mà người Phật tử đến. Vắng nhà là dụ cho sau khi chết.
Qua hai thí dụ đó, chúng ta thấy hướng tái sanh của người khi hiện đời tạo nghiệp lành hoặc dữ mà có sự thọ sanh khác nhau.
Tổ Qui Sơn có dạy: “Như nhơn phụ trái, cường giả tiên khiên”. Nghĩa là như người mắc nợ, ai mạnh thì đòi trước. Nghiệp nào mạnh thì sẽ lôi chúng ta đi trước để trả quả báo mà hiện đời chúng ta đã gây tạo.
Thế thì, muốn biết đời sau mình tái sanh về cảnh giới nào, thì hãy cứ nhìn kỹ lại cái nghiệp nhân mà hiện đời mình đang gây tạo đây. Nếu đã gây nghiệp nhân ác mà muốn sanh về cảnh giới lành, thì điều đó là một nghịch lý, trái với luật nhân quả và sẽ không bao giờ có.
Tuy nhiên, vấn đề nầy, còn tùy thuộc vào Cận tử nghiệp, tức cái nghiệp gần sắp chết. Nếu cả đời mình tu tạo nhân lành ( tích lũy nghiệp) mà đến giờ phút hấp hối sắp lâm chung, bỗng khởi một niệm ác, thì khi nhắm mắt, tất nhiên là chúng ta phải theo niệm ác đó mà chiêu cảm quả báo.
Tuy rằng, sự trả quả báo của cận tử nghiệp thời gian không lâu lắm. Cuối cùng, cũng phải trở về với tích lũy nghiệp. Như vậy, cái tích lũy nghiệp không bao giờ mất.
2. Y cứ vào những thụy ứng
Nếu y cứ vào những hiện tượng thụy ứng, chúng ta cũng có thể biết được người đó được vãng sanh về cảnh giới lành. Hiện tượng này, sách sử đã ghi lại có rất nhiều người tu theo Tịnh môn niệm Phật, khi lâm chung đã để lại thụy ứng (điềm lành gọi là xá lợi ) vãng sanh.
Nếu Phật tử muốn biết rõ, xin đọc Mấy Điệu Sen Thanh do cố Hòa Thượng Thích Thiền Tâm biên soạn, sách gồm có hai tập: I và II, xuất bản ấn tống tại Sydney – Úc Châu, năm 1994. Và quyển Những Chuyện niệm Phật Vãng Sanh Lưu Xá Lợi, xuất bản năm 2000 tại Hoa Kỳ, do cư sĩ Tịnh Hải sưu tầm.
3. Y cứ qua kinh nghiệm của các bậc Cổ Đức
Theo kinh nghiệm của Cổ Đức chỉ dạy, khi người mới chết trong vòng vài tiếng đồng hồ trở lại, muốn biết họ thác sanh về cảnh giới nào, thì người nhà có thể lấy tay sờ vào những nơi ứng nghiệm như sau:
Nếu toàn thân lạnh hết mà chỉ có trên đảnh đầu còn nóng, thì biết rằng người đó sẽ sanh về cảnh giới Phật. Còn như nóng ở nơi con mắt, thì biết người đó sẽ sanh về cõi trời. Nóng ở ngực, thì sanh lại cõi người. Nóng ở bụng, thì sanh về ngạ quỷ. Nóng ở đầu gối, thì sanh vào loài súc sanh. Nóng ở dưới lòng bàn chân, thì sẽ sanh vào địa ngục.
Do sự ứng nghiệm đó, nên Cổ Đức có làm bài kệ tóm tắt cho chúng ta dễ nhớ :
Đảnh Thánh nhãn sanh thiên
Nhơn tâm ngạ quỷ phúc
Bàng sanh tất cái ly
Địa ngục khước môn xuất.
Tạm dịch:
Thánh đầu, trời tại mắt
Người tim, ngạ quỷ bụng
Súc sanh hai chân xuống
Địa ngục bàn chân ra.
Sau khi chết, việc đi đầu thai của chúng sinh xảy ra trong bao lâu?
Luân hồi làm cho ta sống không rơi vào tuyệt vọng, hết mọi cơ hội nhưng cũng không để ta ảo vọng tìm được ở đây một hạnh phúc trường cửu vĩnh hằng. Chu kỳ sống chết, đầu thai tái sinh nhân duyên là câu trả lời thỏa đáng nhất cho những lắt léo số phận đời sống của mỗi con người khác nhau trên thế gian, nếu phủ nhận chu kỳ này thì toàn bộ giáo lý Phật giáo sẽ không còn gì để ta quan tâm nữa.
Tuy nhiên, sống chết, đầu thai như thế nào? Tại sao cũng vẫn là những người rất tin tưởng và đang thực hành giáo lý và có những hiểu biết uyên thâm về Phật giáo lại nói khác nhau ở một vài điểm làm cho người quan tâm cảm thấy khó xử.
Hiện tại quan điểm về thời gian một chúng sinh đi đầu thai như thế nào có 3 quan điểm giải thích được nêu ra như sau:
– Việc đầu thai xảy ra trong tức khắc, gần như không có giai đoạn trung chuyển lửng lơ nào dù chỉ trong khoảnh khắc cực ngắn. Luôn đã có sẵn một chỗ phù hợp cho bất kỳ ai vào bất cứ lúc nào trong ba cõi sáu đường trong một vũ trụ có vô vàn tiếp điểm phù hợp.
– Việc đầu thai xảy ra trong khoảng 49 ngày, khoảng thời gian này đủ để thần thức tìm được nơi tái sinh phù hợp với nghiệp dẫn dắt, đủ để người chết nhận biết mình đã thực sự qua đời còn người sống thì tiến hành các nghi thức chia tay, tiễn đưa, cầu cúng hỗ trợ cho người chết.
– Việc đầu thai xảy ra trong thời hạn vô định cho đến khi thần thức của người chết tìm được một thân xác mới phù hợp để giải quyết các duyên nợ ân oán… thời gian có thể hàng năm, hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm và hơn nữa…