Tứ Phủ Là Gì?
Tứ Phủ (Four Palaces) hay Tứ phủ công đồng là nơi làm việc của các quan, chư vị thần linh của bốn Miền: Thiên Phủ (tượng trưng cho trời) Nhạc Phủ (tượng trưng cho núi), Thoải Phủ (tượng trưng cho nước) và Địa Phủ (tượng trưng cho đất). Đây là một trong các biểu tượng thờ phụng chính của Đạo Mẫu – Di sản Văn hoá Phi vật thể được UNESCO công nhận của Việt Nam.
Tam Phủ hay Tứ Phủ?
Theo lịch sử phát triển của Tín ngưỡng thì khái niệm Tam phủ có trước, Tứ phủ có sau.
Vào Thời kỳ khởi nguyên của Tam phủ người ta cho rằng tam phủ gồm ba miền: Thiên, Địa, Thoải. Khái niệm Tứ phủ sau đó có thêm Nhạc Phủ.
Các màu sắc tượng trưng và thứ tự trong Tứ Phủ
Thiên phủ (Màu Đỏ): Bao gồm các chư vị thần linh cai quản bầu trời.
Nhạc Phủ (Màu Xanh): Bao gồm các chư vị thần linh cai quản miền rừng núi.
Thoải Phủ (Màu Trắng): Bao gồm các chư vị thần linh cai quản miền sông nước.
Địa phủ (Màu Vàng) : Bao gồm các chư vị thần linh cai quản vùng đất đai
Ngày nay thì trong các khoa cúng và bản chầu văn sắp xếp theo thứ tự cao nhất là tầng Trời, tiếp đến cao nguyên rừng núi, sau đó là vùng sông nước, cuối cùng vùng địa phủ.
Hệ thống thần linh trong Tứ Phủ
Đạo Mẫu là một tín ngưỡng ra đời muộn nên Đạo Mẫu cũng dung hòa nhiều yếu tố của Phật giáo và Đạo giáo với việc đưa vào thờ cúng một số Thần và Phật. Trong Đạo Mẫu mặc định đưa ngôi thứ của những Thần Phật này cao hơn, cao nhất là Phật Quan Âm.
Tuy nhiên, về cơ bản Đạo Mẫu tự có một hệ thống thần linh đông đảo, và các tín đồ thường chỉ tập trung thờ tự và sinh hoạt tín ngưỡng xoay quanh các vị này, chủ chốt và cao nhất là Tam Tòa Thánh Mẫu, rồi thấp dần là các hàng Quan lớn, Chầu bà, Ông Hoàng, Cô và Cậu.