Nghi Thức Hầu Đồng Và Trình Tự Các Giá Trong Một Buổi Hầu Đồng
NGHI THỨC HẦU ĐỒNG
Trong các hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng đang tồn tại ở nước ta thì Đạo Mẫu có những nét rất riêng biệt với yếu tố bản địa rõ ràng, mang đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Nét đặc trưng riêng đó được thể hiện ở lễ hội và nghi lễ, nó mang nhiều sắc thái độc đáo để phân biệt với tín ngưỡng, tôn giáo khác. Tập trung nhất là nghi lễ Hầu bóng (Hầu đồng).
Hầu bóng là nghi lễ chính và rất quan trọng trong tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ phủ. Đó là nghi lễ nhập hồn của các vị Thánh Tứ phủ (Tứ phủ gồm 3 phủ trong Tam phủ: Thiên, Địa, Thoải và có thêm phủ Thượng Ngàn gọi là Nhạc Phủ) vào thân xác các ông Đồng, bà Đồng., Đây là sự tái hiện hình ảnh các vị Thánh nhằm phán truyền, chữa bệnh, ban phúc lộc cho các tín đồ đạo mẫu. Nghi lễ này thường mang những đặc điểm và sắc thái khác nhau như đền Nguyệt Hồ (Yên Thế), đền Suối Mỡ (Lục Nam)… Đặc điểm riêng ấy được thể hiện ở việc thờ các vị thánh trong đền.
Trong mỗi giá đồng, các vị Thánh khác nhau sẽ nhập vào ông đồng hay bà đồng (gọi là giáng đồng) để làm việc quan, thể hiện ở chỗ các ông đồng, bà đồng làm nghi lễ nhảy, múa, ban lộc, phán truyền trong tiếng hát văn và nhạc cung văn. Mỗi vị thánh nhập được gọi là một giá đồng. Trong nghi lễ hầu bóng thường có rất nhiều giá đồng. Người ta tính có thể tới 36 giá. Nhưng trong nghi lễ nhập đồng tuỳ theo có thể nhiều hoặc ít giá đồng, ít khi tới 36 giá.
Nghi lễ hầu đồng thường ở các đền, phủ diễn ra trong nhiều dịp trong một năm. Ví dụ Hầu xông đền (sau lễ giao thừa năm mới); Lễ Hầu Thượng Nguyên (vào tháng giêng); Hầu nhập Hạ (tháng tư); Lễ hầu Tán hạ (tháng 7); Lễ hầu tất niên (tháng chạp); Lễ Hạp ấn (25 tháng chạp hàng năm). Trong một năm thường có hai lễ hầu quan trọng nhất là vào tháng 3 và tháng 8 (ngày giỗ cha và giố mẹ). Tức là tháng 3 ngày giỗ của Thánh Mẫu và tháng tám là ngày giỗ của vua cha Bát Hải, Đức Thánh trần… và trong năm tuỳ theo ở mỗi đền, Phủ hay mỗi ông đồng, ba đồng còn làm nhiều nghi thức và lễ hầu riêng như: Lễ trình đồng, lễ lên đồng, lễ hầu bản mệnh, lễ hầu Cô Bơ, lễ hầu quan Tam Phủ, lễ hầu ông Hoàng Bẩy, lễ hầu Quan Trần Triều, đức vua cha, lễ chầu ở đền Bắc Lệ, rồi ông Hoàng Mười, quan Đệ Nhị v.v…
Về nghi thức, trước khi hầu ông Đồng hay bà Đồng thường phải thông qua người chủ Đền để làm lễ cúng chúng sinh và lễ Thánh. Với lễ chúng sinh đồ lễ được đặt trên mâm, như quần áo, tiền lá vàng, thỏi bạc, cháo và các loại bánh… (lễ này đều có trong các tứ phủ) để cúng các vong, hồn không có người thừa nhận, không có người hương khói. Trong buổi trình đồng các ông đồng, bà đồng đều có người trực tiếp giúp việc đặc biệt phải có là hầu dâng và cung văn. Người hầu dâng giúp ông Đồng hay bà Đồng các công việc như thắp hương, dâng các đồ trang phục, thay lễ phục sau mỗi giá đồng; Người giúp việc thường ngồi bên cạnh ông Đồng hay bà Đồng trước bàn thờ Thánh. Trang phục của họ là áo dài đen, quần trắng, đội khăn xếp (là nam), mũ, áo dài (nếu là nữ). Còn cung văn không thể thiếu trong lễ hầu đồng. Họ là người chơi nhạc và hát cho việc trình diễn ở mỗi giá đồng khi Thánh nhập. Nhạc cụ gồm có đàn, trống, sáo, phách… để dẫn hát trong mỗi giá hầu. Trong mỗi giá đồng nhạc hát phải phù hợp vào đúng khi Thánh giáng, Thánh thăng v.v… Đặc biệt khi xong các nghi lễ xin nhập đồng, Các Thanh Đồng (tức ông Đồng hay bà Đồng) thường phải lấy khăn đỏ trùm lên đầu để thực hiện nghi thức giáng đồng (Thánh giáng), hai tay chắp nén nhang, người lắc lư đến khi Thánh nhập, tay Thanh Đồng mới buông nén hương và ra hiệu cho người giúp việc biết Thánh nào nhập, thuộc hàng thứ bậc nào để dâng lễ, rượu nước, thuốc lá v.v… Và khi đó cung văn mới bắt đầu tấu nhạc và xướng cung văn phù hợp với Thánh vừa nhập. Trong khi Thánh giáng, thường có hai hình thức, giáng trùm khăn (gọi là hầu tráng mạn) và giáng mở khăn. Trong hầu hết các giá Thánh Mẫu, thường hầu theo hình thức Tráng mạn, ví dụ: khi Mẫu Đệ Nhất giáng thì ông hay bà đồng giơ ngón tay báo hiệu thì cung văn tụng kinh theo tiếng chuông và mõ. Còn khi người hầu rùng mình bắt chéo tay trước trán là báo hiệu Mẫu đã xa giá (Thăng) cung văn hát điệu xa giá hồi cung… Nghi lễ hầu mở khăn chỉ khi thánh nhập thực sự và xuất hiện cho mọi người thấy, đây là hình thức dành cho Thánh từ hàng quan trở xuống… Như vậy trong 36 giá đồng, khi hầu người ta thường hầu các vị thánh đã biết rõ về thần tích, cũng như vai trò của các vị Thánh đối với người trần. Ví như các vị Thánh Mẫu bao giờ cũng giáng và các vị Thánh giáng nhiều hơn, như quan lớn đệ Nhất, Đệ nhị, Đệ tam, Đệ Ngũ; Chầu đệ Nhị, Chầu Lục, ông Hoàng Bơ, ông Hoàng Bẩy, ông Hoàng Mười; Cô Bơ Thoải, Cô Bé Thượng Ngàn… Thường trong buổi Hầu nhiều nhất cũng chỉ tới 20 vị, ít nhất là 10 vị còn bình thường là 15 vị. Thường thì khi giáng đồng phải theo thứ tự từ Thánh Mẫu đến hàng quan, hàng chầu, hàng ông Hoàng, hàng Cô, hàng Cậu… còn Thánh Ngũ Hổ, ông Rắn (ông Lốt) vong linh tổ tiên giáng sau cùng mà ít khi giáng.
Trong nghi thức Hầu bóng (Hầu đồng) thường các vị Thánh nhập hồn bao giờ cũng là các vị Thánh làm những điều tốt lành, phù hộ cho ông Đồng, bà Đồng và các con nhang, đệ tử làm ăn may mắn, chữa khỏi bệnh tật, trừ được rủi ro… Bởi lẽ các vị Thánh đó lúc sinh thời đều là những người tài giỏi, đạo cao, đức trọng và có vị trí cao trong xã hội đã từng có công với nước, với dân. Hầu đồng hoàn toàn khác với các hình thức nhập hồn khác như nhập hồn không tự nguyện của người bị nhập hồn, nhập hồn cản những người “giữ” mang lại tai họa cho người bị nhập và những người khác. Vì thế, trong nghi lễ hầu đồng bao giờ cũng có nghi thức xin thánh nhập, đây là một nghi lễ dân gian được lâu đời truyền lại cần được phân biệt với các hình thức hầu bóng mang yếu tố mê tín dị đoan khác.
TRÌNH TỰ CÁC GIÁ TRONG MỘT VĂN HẦU
Hầu đồng là một tín ngưỡng dân gian đã có từ lâu đời và chưa bao giờ tín ngưỡng dân gian lại phát triển mãnh liệt như nấm mùa xuân khắp các thôn xóm ở Kinh Bắc.
Từ trước tới nay, hầu đồng vốn là 1 tín ngưỡng tôn giáo được người dân tôn trọng và lưu truyền. Vậy hầu đồng là gì? và 36 giá hầu đồng bao gồm những giá nào?
36 giá hầu đồng:
Đến nay trong dân gian vẫn còn lưu truyền rộng rãi công khai 36 giá hầu đồng, đó là:
1. Tôn nhang thỉnh Phật
2. Thỉnh mẫu
3. Tôn quân thần Triều
4. Thái sư nhất phẩm
5.Quan lớn đệ nhất
6.Thỉnh quan đệ nhị
7.Văn quan đệ tam
8.Thỉnh quan đệ tứ
9. Quan lớn Tuần Trang
10. Văn quan Hoàng triều
11. Chầu đệ nhất
12. Chầu đệ nhị
13. Chầu đệ tam
14. Chầu đức chúa Ba
15. Chầu chúa Thác Bà
16.Chầu đệ tứ
17. Chầu chúa Bắc lệ
18. Chầu Mười Đồng Mỏ
19. Chầu bé Bắc Lệ
20. Thỉnh ông Hoàng Cả
21. Văn ông Hoàng Ba
22. Văn ông Hoàng Bẩy
23.Văn ông Hoàng Mười
24. Thỉnh cô đệ nhất
25. Văn cô đôi thượng
26. Văn cô đôi thoải
28. Văn cô năm suối
29. Văn cô sáu lục cung
30. Thỉnh cô tám đồi chè
31. Văn cô chínThỉnh cô mười
32. Văn cô bé
33. Thỉnh cậu hoàng cả
34. Thỉnh cậu hoàng đôi
35. Thỉnh cậu hoàng ba
36. Văn cậu hoàng bé.