Truyền Thuyết Về Tản Viên Sơn Thánh
Tản Viên Sơn Thánh còn gọi là Sơn Tinh là vị thần cai quản dãy núi Ba Vì (núi Tản Viên) một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt (tứ bất tử)
Các sự tích truyền thuyết về Đức thánh Tản (đặc biệt là truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh) thể hiện khát vọng làm chủ thiên nhiên của người Việt mở đất dựng nước.
Trong tâm thức dân gian của người Việt Tản Viên là vị thánh biểu đạt cho những khả năng to lớn và vĩnh viễn của cộng đồng trong lao động sáng tạo ra nguồn của cải vô tận và trong chiến đấu chống thiên tai (lũ lụt) để bảo vệ cuộc sống chung.
Thánh Tản Viên được coi là vị thánh được nhắc tới đầu tiên.Có lẽ đây là vị thánh liên quan tới truyền thuyết về việc bảo tồn giữ gìn đất nước trong cuộc đấu tranh đối chọi với thiên nhiên và với giặc ngoại xâm của dân tộc.
Truyện kể về xung đột mang màu sắc “tình ái” giữa hai vị thần tượng trưng cho hai thế lực đối chọi nhau: Thuỷ Tinh (Thần Nước), là sức mạnh tự nhiên, biểu hiện của thiên tai lũ lụt bão tố … mà hàng năm nhân dân ta phải gánh chịu, nhất là cư dân lưu vực đồng bằng sông Hồng (mà Thăng Long là vùng chịu ảnh hưởng khá nặng nề). Còn Sơn Tinh (Thần Núi), còn gọi là Thánh Tản Viên, đại diện cho sức mạnh vật chất, ý chí, sự thông minh, lòng quả cảm và sự đoàn kết toàn dân, đã chống chọi kiên cường và chống chọi thành công với sức huỷ diệt tàn phá của mọi thiên tai địch hoạ.
Hiện có hai quan niệm và cách giải thích nguồn gốc xuất thân của Tản Viên:
1. Các học giả thời phong kiến cho Tản Viên là “hạo khí anh linh của trời đất sinh ra”, hoặc cho “là 1 trong 50 người con của Lạc Long Quân, Âu Cơ theo cha xuống biển”. Chàng “từ biển đi vào, qua cửa Thần Phù, ngược sông Hồng đến Long Đỗ (Hà Nội), Trấn Trạch, rồi ngược sông Lô, đến Phúc Lộc giang”.
Từ đấy, “nhìn thấy núi Tản Viên cao vời, xinh đẹp, lại thêm phía dưới dân chúng thuần phác, thái bình”, nên chàng “đã làm một con đường thẳng như kẻ chỉ, từ Bạch Phiên Tân lên thẳng phía Nam núi Tản Viên, tới động An Uyên, thì lập diện để nghỉ ngơi”. Các tác giả Lịch triều Hiến chương (Phan Huy Chú) và Việt sử Thông giám cương mục… cũng đều có những quan niệm tương tự.
2. Trong khi đó theo quan niệm của dân gian, được thể hiện qua các bản thần thích thần phả ở các làng trong vùng Truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ) thì Thánh Tản Viên lại là người có thực, xuất thân từ tầng lớp nghèo khổ trong dân chúng.
Chàng tên thực là Nguyễn Tuấn, có tài “hô phong hoán vũ”, dũng cảm. Sơn Tinh được Hùng Vương kén làm rể, gả con gái Mỵ Nương. Sau đó, Thủy Tinh vì không được chọn, đã nổi giận đem binh đến đánh, xảy ra các cuộc chinh chiến trong nhiều năm trời. Kết cục, Thủy Tinh luôn là kẻ bại trận.
Truyền thuyết về Tản Viên Sơn Thánh:
Truyền thuyết thời Hùng Vương về Tản Viên Sơn Thánh, có rất nhiều, có thể kể đến: Tản Viên Sơn Thánh; Sơn Tinh Thủy Tinh; Tản Viên đón vợ; Trần Giới, Trần Hà; Ba anh em lốt rắn; Cao Sơn và Quý Minh; Đại Hải đánh Thục; An Dương Vương lập cột đá thề; Sơn Tinh gánh đất trị thủy;
Cuốn Ngọc phả trong đền Lăng Sương, ở xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ kể lại gốc tích ra đời, trưởng thành của thánh Sơn Tinh, tên thật là Nguyễn Tuấn. Thân phụ ngài là ông Nguyễn Cao Hành, thân mẫu là Đinh Thị Đen, vốn là những người tu nhân tích đức nhưng hiếm muộn con cái.
Trong một lần mẫu Đen (tên mà người dân trong vùng gọi thân mẫu sinh thành ra thánh Tản Viên) ra giếng gánh nước thì gặp con rồng vàng. Mẫu gánh nước về tắm thì đột nhiên mang thai. Người thường chỉ mang thai 9 tháng nhưng mẫu mang thai đúng 14 tháng mới sinh. Đến thai kỳ thì sinh được một con trai có tướng mạo khôi ngô nên đặt tên cho là Nguyễn Tuấn”.
Truyền thuyết kể lại rằng thân mẫu Nguyễn Tuấn thường ngồi trên phiến đá đó cúi xuống để lấy nước nên in dấu thành vết. Độ sâu của giếng chỉ khoảng 3m – 4m nhưng chưa bao giờ cạn nước, kể cả vào mùa khô. “Vào mùa hè khô hanh, ruộng đồng khắp nơi đều cạn nước nhưng giếng này vẫn đầy nước, nhìn trong vắt”, ông Tuất nói.
Khi Nguyễn Tuấn lên 6 tuổi đã mồ côi cha, sau đó hai mẹ con chuyển sang nơi sinh nhai mới thuộc xóm Cốc ở núi Tản Viên. Cũng tại đây, chàng thanh niên Nguyễn Tuấn được thần núi Ma Thị Cao Sơn nhận làm con nuôi. Sau 3 năm sinh sống ở chân núi Tản, hai mẹ con lại trở về sống ở động Lăng Sương (đền Lăng Sương ngày nay).
Năm 12 tuổi, Nguyễn Tuấn ngày ngày vượt sông Đà sang núi Tản Viên để đốn củi về phụ giúp thân mẫu. Cứ mỗi khi quay trở lại núi vào ngày hôm sau, chàng lại thấy những cây mình chặt hôm trước mọc trở lại. Thấy lạ, chàng mới quyết định núp để tìm hiểu. Nhờ đó mà Nguyễn Tuấn gặp được ông Tử Vi thần tướng Bạch Tuyết – chính là người đã làm cho các cây gỗ bị chặt mọc lại. Thấy chàng trai trẻ Nguyễn Tuấn có tướng mạo khôi ngô tuấn tú, Tử Vi thần tướng đã truyền lại cho chàng cây gậy đầu sinh đầu tử. Trên đường qua sông về nhà, Nguyễn Tuấn nhìn thấy con trai vua Thủy Tề bị tử nạn, chàng đã sử dụng cây gậy thần, cứu mạng con vua Thủy Tề.
Cảm kích ơn cứu mạng, vua Thủy Tề dâng vàng bạc châu báu để trả ơn nhưng Nguyễn Tuấn đều từ chối. Khi nhìn thấy cuốn sách ước – một bảo vật của vua Thủy Tề, Nguyễn Tuấn ngỏ ý xin ban tặng nhưng vua Thủy Tề từ chối vì đó là bảo bối quý hiếm.
Mặc dù nhà vua từ chối nhưng người con trai quyết trả ơn cho Nguyễn Tuấn, bèn đánh cắp cuốn sách để tặng cho vị ân nhân. Vua Thủy Tề biết được, liền dâng nước và quân đội lên để đòi lại sách quý. Tuy nhiên, có trong tay cuốn sách bảo bối, Nguyễn Tuấn đã đẩy lùi đạo quân sóng nước.
Người vợ của Nguyễn Tuấn sau này là con gái Hùng Vương. Khi lấy được công chúa, Nguyễn Tuấn được vua cha truyền lại ngôi báu. Sau đó, Nguyễn Tuấn đã nhường lại ngôi cho Thục Phán An Dương Vương, từ đó nước Âu Lạc ra đời.
Với công lao đẩy lùi thủy hạn, an dân hộ quốc, sau này, nhân dân địa phương đã lập đàn thờ và tôn ngài thành Tản Viên Sơn Thánh. Sơn Tinh cũng là nhân vật đầu tiên trong Tứ Bất Tử của nước ta.
Những tích bút ghi cho thấy một giả thiết khác về nguồn gốc xuất thân của Đức thánh Tản Viên (Sơn Tinh), nhiều tình tiết có phần khác hẳn với truyền thuyết Sơn Tinh vốn đã lưu truyền trong dân gian từ trước đến nay.
Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh:
Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh, kể rằng: Vua Hùng thứ 18 sinh được 20 người con trai và 6 nàng con gái lần lượt qua đời, chỉ còn lại Tiên Dung công chúa và Ngọc Hoa công chúa. Tiên Dung đã lấy Chử Đồng Tử còn Ngọc Hoa chưa lấy ai. Ngọc Hoa xinh đẹp da ngà mặt ngọc, xinh đẹp tuyệt vời, được vua cha rất yêu quí. Vua Hùng lập lầu kén rể. Sơn Tinh và Thủy Tinh nghe tin, cùng tìm đến thi tài. Sơn Tinh, Thủy Tinh đều có tài nghệ hơn người, hình dung tuấn tú.
Trước lầu cao có vua Hùng và Ngọc Hoa ngự. Thủy Tinh thi trước, ra oai gọi gió, hô mưa, chợt thấy mưa rơi sầm sập, sấm nổ vang ầm ĩ, trời đất tối tăm, bốn bề nước réo, cây nghiêng núi ngả, muôn loài đều khiếp sợ, người và muông thú vội tìm chỗ trú ẩn cho kín, ai nấy nín hơi ngậm miệng không dám ló ra. Đến lượt Sơn Tinh, chàng giơ cao chiếc gậy thần, lập tức sét câm, mưa trốn, trời trong mây sáng, cây cỏ lại xanh tươi, chim hót hoa cười, rõ ra cảnh tượng mùa xuân hòa vui ấm áp.
Vua Hùng thấy cả hai chàng trai đều có tài lạ, không biết gả Ngọc Hoa cho ai, trong dạ phân vân, mới thách đồ dẫn cưới phải có “voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao” và hẹn rằng ngày mai ai đem đồ lễ tới trước thì sẽ được đón công chúa về làm vợ. Cả hai chàng Sơn Tinh và Thủy Tinh vái tạ nhà vua, vội vã ra về lo sửa soạn đồ sính lễ.
Sơn Tinh, nhờ có cuốn sách ước vua Thủy Tề tặng, nên tuy ở ngay tại thành Phong Châu, nhưng chỉ việc mở sách ước ra là có đủ các vật quí, lạ của núi rừng sông bể, đủ cả “voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao” như vua Hùng đã thách. Trời chưa sáng, Sơn Tinh sợ trùng trình Thủy Tinh kéo đến, mới giả tiếng gà gáy. Tức thì, gà khắp vùng gáy theo inh ỏi. Cửa thành mở rộng.
Sơn Tinh vào chầu vua Hùng, tiến dâng lễ vật và được vua Hùng cho đón Ngọc Hoa về nhà trai. Đám rước dâu vừa tới làng Trẹo (nay là thôn Triệu Phú, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, gần Đền Hùng) thì gặp Thủy Tinh đang đốc thúc quân gia khiêng các lễ vật tới. Thấy Sơn Tinh đã đón Ngọc Hoa, Thủy Tinh nổi giận đùng đùng, vứt tung lễ vật rơi vãi khắp nơi, rồi thét quân xông tới cướp Ngọc Hoa. Hai bên giao chiến một trận dữ dội.
Lúc đó trời đất bỗng tối sầm, chỉ thấy ánh chớp sáng lòe, tiếng sét đánh inh tai, tiếng hò reo vang dội một vùng rộng lớn. Trong đám loạn quân, Ngọc Hoa bị lạc, không thấy Sơn Tinh đâu, mới cất tiếng hú gọi chồng (hiện nay, thôn Triệu Phú có tục cầu tiếng hú, để nhắc lại tiếng hú của Ngọc Hoa gọi chồng thủa nào). Trong lúc đang ra sức chống đỡ Thủy Tinh, nghe tiếng hú của vợ, Sơn Tinh vội đi tìm Ngọc Hoa. Tới chiều tối mới mở được đường máu, đưa Ngọc Hoa về núi Tản.
Không cam tâm để mất Ngọc Hoa, Thủy Tinh liền nổi sóng dữ thét quân đuổi theo. Sơn Tinh đưa vợ lên tít ngọn núi Tản. Bấy giờ sóng vỗ nghiêng trời, nước dâng ngập đất, các loài thủy tộc múa may nhảy nhót theo nước dâng tiến lên. Nước vỗ đồng bãi tràn rừng quật núi, sông nước réo lên ầm ầm, mưa đổ như trút, chớp lòe sấm động đất như nghiêng, trời như đổ, bốn bế nước đục mênh mông. Sơn Tinh ra sức chống cự, cùng với nhân dân và các bộ hạ đắp đất, lao gỗ để chặn nước. Nước dâng tới đâu, Sơn Tinh lại hóa phép dâng đất lên cao hơn.
Thủy Tinh thấy đánh mãi không được, nổi giận mở một con đường nước xoáy thẳng vào chân núi Tản (dấu tích còn lại đến ngày nay là ngòi Lạt ở địa phận huyện Thanh Sơn, chảy giữa hai xã Tu Vũ huyện Thanh Thủy, Lương Nha huyện Thanh Sơn, hướng chảy thẳng vào núi Chẹ trước núi Tản, cách núi bởi con sông Đà). Sơn Tinh vội gánh đá đổ thành một hòn núi lớn phía trước núi Tản chặn đứng mũi nước xoáy của Thủy Tinh (dấu tích hiện còn là hòn Núi Chẹ là một dãy núi đá vôi đứng bên bờ sông, ngay trước núi Tản, như một bức bình phong che cho núi Tản).
Nước ở thượng nguồn lại sầm sập lao về. Sơn Tinh thả lưới sắt, giăng chông đá ngang sông để đánh bắt quân Thủy Tinh (dấu tích nay là bãi Đá Chông, một bãi đá dựng lởm chởm dăng ngang dòng sông Đà, thẳng tới xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy). Hai em của Sơn Tinh là Nguyễn Hiển và Nguyễn Sùng là Tả hữu lâm thần hai bên bờ sông Đà hô ném các loại cây đắng có chất độc như cây mền dẻ, cây thàn mát xuống nước. Quân Thủy Tinh bị trúng độc, xác nổi đặc mặt sông, Thủy Tinh thua to, vội vã rút quân về. Từ đấy, cứ hàng năm, vào tháng sáu, tháng bẩy âm lịch, nước lại dâng to ở các sông gây lụt lũ. Nhân dân nói đó là Thủy Tinh nhớ mối thù cũ, dâng nước đánh Sơn Tinh. (Tổng tập Văn nghệ dân gian đất Tổ, Tập 1, Sở Văn hóa – Thông tin – Thể thao Phú Thọ và Hội Văn nghệ dân gia Phú Thọ, năm 2000, tr 119-122).
Các truyền thuyết khác:
Truyền thuyết về Tản Viên Sơn Thánh có nhiều dị bản, trong đó có một số dị bản sau: Động Lăng Xương có hai anh em Nguyễn Cao Hành và Nguyễn Cao Ban, tuổi đã cao mà chưa có con. Người anh là Nguyễn Cao Hành có nuôi một người cháu ruột của vợ mình tên là Đinh Thị Điên và ăn nằm với người cháu này. Đinh Thị Điên có mang, đẻ được một người con trai, đặt tên là Tuấn – Nguyễn Tuấn. Vợ chồng người em Nguyễn Cao Ban cũng sinh được 2 người con trai, đặt tên là Hiển – Nguyễn Hiển và Sùng – Nguyễn Sùng. Trong thời gian mang thai những khi Đinh Thị Điên đi làm đồng thường vẫn có mây lớn che đầu. Một hôm bà đang cấy lúa, chợt thấy trong người cảm động, biết là sắp sinh nở, bỏ các cây mạ, tìm giếng rửa chân tay. Rửa xong, về tới nhà thì đẻ.
Từ lúc cấy cho tới lúc đẻ vẫn có mây lành che đầu. Hiển và Sùng 12 tuổi thì cả cha lẫn mẹ mất. Người cậu ruột đưa cả hai anh em sang chân núi Tản ở với người đàn bà hủi họ Bùi, có họ mà không có tên. Vào năm Nguyễn Tuấn lên 6 tuổi, thì bố mất, mẹ yếu. Tuấn sang ở với bà họ Bùi. Ba năm sau, Nguyễn Tuấn quay về ở với mẹ, đổi tên là Tùng – Nguyễn Tùng. Một hôm Nguyễn Tùng nghĩ bụng hai mẹ con ở hai nơi khó chăm sóc, mới đưa mẹ đẻ sang núi Tản cùng ở với mẹ nuôi họ Bùi kia. Từ đấy, ba anh em Nguyễn Tuấn, Nguyễn Hiển và Nguyễn Sùng cùng ở với hai mẹ, sum họp một nhà ở chân núi Tản. Một năm sau, bà Đinh Thị Điên qua đời.
Một dị bản khác, kể rằng: Hùng Duệ Vương tuổi già mà không có con nối dõi. Thục Phán là chủ đạo bộ Ai Lao, vốn người kiêu dũng, cho rằng vận nhà Hùng đã hết, sợ rằng ngôi vua sẽ về tay Sơn Tinh là con rể vua Hùng, mới nổi quân về đánh vua Hùng. Quân Thục chia làm 5 đạo thủy bộ cùng tiến, thế mạnh như vũ bão, các đồn lũy của vua Hùng không chống cự nổi. Hùng Duệ Vương vô cùng lo sợ, truyền gọi con rể Tản Viên về triều, hỏi mưu kế, rồi trao quyền đánh dẹp quân Thục cho Tản Viên.
Tản Viên Sơn Thánh và hai em là Tả hữu lâm thần Nguyễn Hiển, Nguyễn Sùng (truyền thuyết ở xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông, kể là Cao Sơn và Quý Minh – người trang Thanh Uyên, là hai anh em kết nghĩa với Tản Viên, đã chiêu mộ được hơn hai trăm người về giúp Tản Viên đánh Thục), đưa hơn ba nghìn người vùng sông Đà về nhận mệnh vua, rồi tiến quân qua sông Thao, đóng trại ở các làng Cổ Tiết và Quang Húc (nay thuộc huyện Tam Nông). Tản Viên xin nhà vua ban chiếu cầu người tài giỏi ra giúp nước. Vua Hùng nghe theo. Người người kéo về Phong Châu, theo Tản Viên Sơn Thánh đánh Thục nhiều lần, thu được thắng lợi to.
Sách Đại Nam nhất thống chí, thời Nguyễn, ghi chép lai lịch Đền thần Tản Viên, như sau: “Thần có ba vị: một vị tên là Nguyễn Hương, một vị tên là Nguyễn Tuấn, một vị tên là Nguyễn Lang. Có thuyết nói: thần tên là Hương Lang con Lạc Long Quân. Đời Đường Nghiêu nước lớn ngập cả núi gò, Hương Lang có phép tiên, trừ được nạn lụt, sau lại đánh tan được quân nhà Tần, bèn đi khắp nơi xem xét danh thắng đến núi Tản Viên, dựng cung điện để ở, sau người ta lập đền thờ. Sơn thần rất thiêng, thường có hạc múa, voi quì, rồng chầu, hổ phục. Cao Biền nhà Đường có ý muốn yểm, nhưng không yểm được, đời Thái Ninh Đường Ý Tông ban cho tiền của để sửa lại đền, nay đền vẫn còn, các triều đều có phong tặng.
Xét Lĩnh Nam trích quái chép rằng: Hùng Vương có con gái là Mỵ Nương, muốn tìm người lứa đôi, một hôm có hai người cùng đến cầu hôn, Sơn Tinh và Thủy Tinh. Hùng Vương hẹn với hai người rằng ai đưa sính lễ đến trước thì được lấy Mỵ Nương. Ngày hôm sau, Sơn Tinh đem đủ lễ vật đến trước, đón Mỵ Nương về núi Tản Viên. Thủy Tinh đến sau, bèn đem các loài thủy tộc đuổi theo. Sơn Tinh liền hóa phép thần, Thủy Tinh không sao xâm phạm được. Tương truyền Sơn Tinh tức là Nguyễn Tuấn. Lời phụ lục trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi nói: Thần núi Tản Viên linh thiêng lạ thường, vua Lý Nhân Tông sai thợ dựng đền ở ngọn thứ nhất trên núi, có lầu 12 tầng”. (Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa, T4, 1997, tr 237- 238).
Tuy có nhiều ghi chép khác nhau về lai lịch của Nguyễn Tuấn – Tản Viên Sơn Thánh như nêu ở trên, song xuyên suốt trong các bản ghi chép ấy là khẳng định vị thần chủ núi Ba Vì – Sơn Tinh. Tản Viên Sơn Thánh ấy chính là hóa thân của một người họ Nguyễn, tên là Tuấn, sinh ra ở động Lăng Xương xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, vào đời Hùng Vương thứ 18.
Nguyễn Tuấn có cha, có mẹ, có vợ là Ngọc Hoa – công chúa của Hùng Vương thứ 18. Sơn Tinh – Tản Viên Sơn Thánh có vị trí cao trong tâm thức người Việt cổ, có ảnh hưởng rất lớn với triều đình Hùng Vương thứ 18, với xã hội Văn Lang thủa sơ khai. Nguyễn Tuấn – vừa là anh hùng văn hóa, vị thần trị thủy chiến thắng lũ lụt, thần tổ dạy cho dân nhiều nghề; vừa là thủ lĩnh quân sự kiệt xuất, vị thần chiến tranh chống Thục, lại cũng là một nhà chính trị khôn ngoan nhìn xa trông rộng , vị thần khuyên vua Hùng nhường ngôi cho vua Thục và lên núi “dưỡng nhàn”.
Thờ cúng:
Đã có nhiều đền thờ nhân vật Sơn Tinh được người dân ở một vùng lập nên, như đền Và (Sơn Tây, Hà Nội), các ngôi đền trên núi Ba Vì (Hà Nội). Tuy nhiên, những ngôi đền này chỉ là nơi được lập nên để thờ vọng chứ không phải là đất phát tích của Tản Viên Sơn (Sơn Tinh). Trong cuốn Ngọc phả ghi rõ, ngôi đền có tên là Lăng Sương, ở xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ chính là nơi đầu tiên thờ thánh Tản Viên. Đền Lăng Sương được xây dựng từ năm 1011, đời nhà Lý. Theo tài liệu còn được lưu giữ tại đây thì, đền được dựng lên trên nền đất cũ nơi thánh Sơn Tinh sinh ra và lớn lên. Di tích đền Lăng Sương là nơi hiếm hoi còn lưu lại những giải thích cặn kẽ nhất về Đức thánh Tản Viên.
Hàng năm, hội đền Lăng Sương diễn ra từ ngày 14 – 16 tháng Giêng âm lịch, trong đó ngày 15 là ngày chính lễ. Trong 3 ngày này, hội đền đã thu hút hàng trăm lượt du khách đến tham gia và bái lễ. Đền Lăng Sương được coi là một điểm đến tâm linh quý báu của đất tổ Hùng Vương trong hành trình tìm về cội nguồn dân tộc.
Tại các di tích thờ Nguyễn Tuấn – Tản Viên Sơn Thánh trên cả một vùng rộng lớn quanh dãy núi Ba Vì, ngã ba sông Hồng, sông Đà thuộc địa phận các tỉnh Phú Thọ, Hà Tây, Hòa Bình, hàng năm nhân dân đều tổ chức lễ hội. Tiêu biểu phải kể đến một số lễ hội, như:
– Hội đền Và: tổ chức lễ hội lớn vào ngày Rằm tháng giêng, là hội về Thánh Tản lớn nhất, nức tiếng Xứ Đoài. Vào năm đại hội, các làng có liên quan đến Thánh Tản và Đền Và (có 8 làng: Vân Gia, Thanh Trì, Nghĩa Phủ, Mai Trại, Dạm Trại (xã Trung Hưng), Phù Sa, Phú Nhi (xã Viên Sơn), và làng Di Bình (xã Vĩnh Thịnh – huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc) đều tập trung về đền Và. Hội bắt đầu từ ngày 13 đến hết 15 tháng giêng, với đám rước lớn ngày 14. Ngoài hội Xuân này, tại Đền Và còn có hội Thu vào ngày 14 tháng 9 âm lịch, tiêu điểm là hội đả ngư / đánh bắt cá cầu may.
– Hội đền Măng Sơn (ở xã Sơn Đông, Hà Tây cũ): hàng năm mở hội vào ngày 6 tháng Giêng để tưởng niệm đức Thánh Tản đã dạy dân làng nghề săn bắn. Hội được tổ chức dưới hình thức té và rước nước.
– Hội Dô ở Liệp Tuyết (Quốc Oai – Hà Tây cũ) cũng tưởng niệm Thánh Tản vào ngày 10 tháng giêng.
– Lễ hội làng Khê Thượng (xã Sơn Đà, huyện Ba Vì) hàng năm mở hội Thánh Tản vào ngày mồng 3 đến 7 tháng giêng (còn gọi là tục Rước chúa trai – rước Thánh Tản sang sông để chúc tết bố vợ rồi mới quay về ăn tết với dân làng.Trong lúc Khê Thượng mở hội Rước chúa Trai thì đồng thời làng Vi, làng Trẹo (huyện Phù Ninh- Phú Thọ) cũng mở hội Rước chúa Gái – tức nàng Ngọc Hoa công chúa dựa theo truyền thuyết Ngọc Hoa về thăm cha lâu ngày không trở lại nên Tản Viên phải sang đón và được hai làng Vi Trẹo tôn kính giúp đỡ.
Sự thờ phụng Đức Thánh Nguyễn Tuấn – Tản Viên Sơn Thánh trên đây bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ thần núi chủ cộng với tục thờ người có công với dân với nước. Trải qua nhiều thế hệ nhân dân ta một lòng tôn kính ngưỡng mộ Đức Thánh Nguyễn Tuấn – Thánh Tản, bởi họ tìm thấy ở Ngài phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của dân tộc và quê hương mình.Đức Thánh Nguyễn Tuấn – Tản Viên Sơn Thánh trở nên Bất Tử trong đời sống văn hóa – tâm linh của người Việt cổ, được di dưỡng qua năm tháng, ngày càng tỏa sáng trong cuộc sống hôm nay.
Đức Thánh Tản Viên: sự tích và đền thờ trấn tứ phương
Đức Thánh Tản Viên hay còn được biết đến là vị thần Sơn Tinh trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh nổi tiếng trong cộng đồng người Việt hiện đại. Đây là vị thánh biểu đạt cho những ước mơ, khát vọng của người dân lao động xưa về một cuộc sống ấm no, có thể chế ngự hoàn toàn thiên tai lũ lụt. Hiện nay Đức Thánh Tản Viên vẫn là vị thần được nhân dân tôn sùng và gửi gắm những hy vọng, khát khao về cuộc sống bình an, êm ấm. Biểu hiện bởi rất nhiều ngôi đền khang trang được nhân dân xây dựng tại miền Bắc Việt Nam và thường xuyên lui tới nhang khói, cúng lễ đủ đầy thành tâm.
Đức Thánh Tản Viên là ai?
Đức Thánh Tản Viên hay còn được biết đến với nhiều danh xưng khác nhau như Vua Cha Nhạc Phủ, Tản Viên Sơn Thánh hay gần gũi nhất là thần Sơn Tinh. Ngài là một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt. Đồng thời, ngài cũng được coi là đệ nhất phúc thần của nước Việt đứng đầu tứ bất tử.
Ngài thuộc Tứ Phủ Vạn Linh tại hàng vị Đức Vua Cha cùng với Vua Cha Thiên Phủ (Ngọc Hoàng Thượng Đế), Vua Cha Thủy Phủ (Vua Cha Bát Hải Động Đình), Vua Cha Địa Phủ.
Ngoài ra, ngài còn được biết đến là cha của Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn hay La Bình Công Chúa. Việc này được đề cập rất rõ trong truyền thuyết về Mẫu Thượng Ngàn.
Theo truyền thuyết thì ngài là người cai quản dãy núi Ba Vì (núi Tản Viên). Ngài linh thiêng, anh linh ứng nghiệm vô cùng. Ghi trong truyện núi Tản Viên, tác giả Lĩnh Nam chích quái có viết: “Linh khí không thể lường được, tương truyền rằng thần rất linh thiêng và ứng nghiệm.”
Về xuất thân của Đức Thánh Tản Viên, có rất nhiều nguồn giải thích cho nguồn gốc nhà ngài.
- Tản Viên Sơn Thánh là con của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Theo đó, ngài là một trong năm mươi người con được chia về biển. Sau đó, ngài đi qua cửa biển Thần Phù, ngược sông Hồng mà về. Thấy núi Tản Viên cao vời, xinh đẹp tú lệ ba hòn sắp thẳng đứng. Lại thêm dân chúng quanh vùng cực chất phác, đôn hậu nên người đã làm một đường thẳng như kẻ chỉ từ làng Bạch Phiên Tân mà đến phía nam núi Tản Viên, đến Uyên Đông, lại đến Nham Tuyền là chỗ nguồn khác, rồi đi lên núi Thạch Bàn đầu non Vân Mộng mà ở. Những vết chân ấy, người đời sau lập đền thờ phụng, hạn thì đảo, lụt thì cầu, ngự hỏa tai ngăn đại hạn mau hơn tiếng vang cực kỳ linh ứng.
- Tản Viên Sơn Thánh là ba anh em. Theo đó, nói tới Tản Viên Sơn Thánh là nói tới cả ba anh em thần núi hay còn được gọi là Tam Vị Đại Vương Quốc Chúa Thượng Đẳng Thần gồm Sơn Tinh, Cao Sơn và Quý Minh. Hiện ba đền Thượng, Trung, Hạ tại Ba Vì đang thờ phụng Tam vị Tản Viên Sơn Thánh.
- Tản Viên Sơn Thánh là người thật. Theo quan niệm dân gian tại các làng trong truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ), kết hợp ngọc phả đền Lăng Xương thì Thánh Tản Viên là người tên Nguyễn Tuấn. Ông là con trưởng của Nguyễn Cao Hành và bà Đinh Thị Đen ở đạo Sơn Tây nay là Phú Thọ. Ông nhận bà Ma Thị Cao ở núi Ngọc Tản làm mẹ nuôi. Từ đây, ông trở thành người cứu độ nhân dân có phép thần thông biến hóa, có văn võ song toàn và trở thành vị thần núi Tản Viên. Sau này khi Hùng Vương kén rể cho con gái Ngọc Hoa, ông chọn Sơn Tinh – Nguyễn Tuấn.
Truyền thuyết Đức Thánh Tản gắn với những công lao to lớn truyền lưu ngàn đời
Công lao to lớn nhất của Đức Thánh Tản phải kể đến việc ngài cùng với Vua Cha Bát Hải Vĩnh Công Đại Vương phối hợp cùng đánh tan giặc ngoại xâm khỏi bờ cõi Văn Lang. Khi đó, Vĩnh Công Đại Vương chặn mũi công của giặc trên biển và Tản Viên Sơn Thánh thì chặn mũi công của địch trên đường bộ, đánh tan quân giặc chỉ trong 3 ngày.
Thời bình, ông lại đi khắp nơi dạy nhân dân làm ăn sinh sống.
Ông dạy dân Ba Vì biết làm ra lửa bằng ống giang già, biết săn bắn với kế làm hầm gài tên căng lưới, dạy dân Quốc Oai biết gieo hạt trồng lúa, dạy dân ven sông Hồng biết làm lưới kéo vó, dạy dân chúng biết võ nghệ đánh giặc bảo vệ tổ quốc, dạy nhân dân biết dệt vải hát ca. Hiện nay tại nhiều ngôi đền, người dân vẫn tổ chức lễ hội mô phỏng lại cách thức làm ăn mà Sơn Tinh đã dạy cho nhân dân, đồng thời tỏ lòng biết ơn vị thánh đã giúp cuộc sống nhân dân ấm no hơn.
Một số sắc phong của Tản Viên Sơn Thánh
Với những công lao to lớn với nhân dân và đất nước, Tản Viên Sơn Thánh được rất nhiều triều vua ban sắc phong thể hiện sự tôn kính trọng vọng.
Vua Trưng Vương (Trưng Trắc) sắc phong ngài là :”Tản Viên sơn quốc chúa đại vương Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng thần.”
Vua Trần Nhân Tông sắc phong ngài là “Hữu thánh hưng quốc hiển ứng vương”.
Vua Tự Đức phong ngài là thượng đẳng tối linh thần
Ngoài ra, tại đền Và Sơn Tây vẫn còn lưu trữ 18 bản sắc phong khác dành cho Đức Thánh Tản thuộc nhiều đời vua khác nhau. Trong đó có 17 bản chính có dấu ấn.
Ngoài ra vị thần Tản Viên Sơn Thánh thần thông quảng đại không chỉ sống trong lòng người dân mà ngài còn xuất hiện cả trong những tác phẩm văn học được miêu tả với những từ ngữ trân quý nhất. Những tác phẩm viết về nhà Ngài gồm có “Việt điện u linh”, “Lĩnh Nam chích quái”, “Thánh Tông di ký toàn thư”, “Thánh Tông di ký toàn thư”
Tản Viên Sơn Thần
Đệ nhất phúc đẳng thần
Đệ nhất bách thần
Thượng Đẳng tối linh thần
Nam thiên thánh tổ
Ngài là vị thánh anh linh, tiêu biểu cho người anh hùng dân tộc chống ngoại xâm cùng nhân dân khống chế thiên tai, lũ lụt.
Núi Tản Viên – linh thiêng ngọn núi thuộc truyền thuyết Đức Thánh Tản Viên
Núi Tản Viên hay núi Ba Vì được cho là ngọn núi nắm giữ đường long mạch quan trọng. Đồng thời, đây chính là ngọn núi xuất hiện trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh khi “Thủy Tinh dâng nước cao bao nhiêu thì Sơn Tinh dâng núi cao bấy nhiêu”. Khu vực trong lời kể được cho là ngọn núi Ba Vì.
Ca dao cũng truyền tụng về núi Ba Vì: “Nhất cao là núi Ba Vì, thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn”.
Thực tế, núi Ba Vì thấp hơn núi Tam đảo tới gần 300m nhưng dân gian vẫn coi ngọn núi này là cao nhất địa giới. Bởi Ba Vì là nơi ngự của Thần Núi Tản Viên nên trong tâm thức người Việt, không ngọn núi nào sánh bằng với núi Ba Vì.
Ở ngôi đền cổ thờ vị thần núi cũng có câu đối: “Châu hình đẩu tiễn thiên hoành không/ Hạo khí quan mang vạn cổ tồn”.
Dịch là “Dáng hình sừng sững ngang trời rộng/Hạo khí mênh mang thuở còn”.
Tại quyển “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi cũng trích dẫn “Núi ất là núi tổ của nước ta đó.” Thể hiện vị thế cùng với tầm quan trọng bậc nhất của ngọn núi Tản Viên Ba Vì.
Ngày nay, dọc dãy núi Ba Vì là hệ thống đền thờ Tản Viên Sơn thánh trấn 4 hướng đông tây nam bắc:
Tây Cung gồm đền Trung và đền Hạ.
Nam Cung là đền Ao Vua.
Đông Cung là đền Và Sơn Tây.
Bắc Cung là đền Thính ở Vĩnh Phúc.
Ngày nay, núi Ba Vì trở thành địa điểm thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước. Cùng với hệ thống đền thờ phong phú cùng phong cảnh hoang sơ tuyệt đẹp sẵn có, Ba Vì trở thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hấp dẫn mọi du khách là điều vô cùng dễ hiểu.
Cần chú ý gì khi sắm lễ Đức Thánh Tản Viên
Từ xa xưa, nhân dân đã luôn tin thờ và duy trì tục lễ Đức thánh Tản. Trong tâm thức, con hương luôn kính cẩn chấp bái, chấp niệm tin rằng Đức Thánh Tản luôn phù hộ độ trì cho quốc thái dân an, cuộc sống bình an, an ổn. Bởi vậy mà mỗi năm luôn có hàng ngàn con hương tín thờ và thường xuyên ghé thăm đền thờ đức thánh để dâng lễ bạc tâm thành lên ban thờ thánh. Đông nhất là vào những ngày lễ tiết lớn trong năm như ngày đầu xuân năm mới hay mùa lễ hội tại đền. Mỗi con hương, đệ tử đến đền lại mang theo một mâm lễ đủ đầy hương hoa, phẩm quả mong ngài chứng giáng phù hộ độ trì cho gia quyến bình an, khỏe mạnh, có tài có lộc, làm ăn thuận lợi, tốt tươi.
Một mâm lễ dâng ban thờ Đức Thánh Tản Viên gồm một đĩa hoa, một đĩa quả gồm nhiều loại quả, cơi trầu, quả cau, cút rượu, xôi thịt, thẻ hương, giấy tiền và một cánh sớ.
Đền Thờ Tản Viên Sơn Thánh
Đền thờ Thánh Tản Viên được nhân dân thờ tự tại rất nhiều ngôi đền tại khu vực dãy núi Ba Vì nổi tiếng nhất là các ngôi đền Thượng, Trung, Hạ gọi chung là đền thờ Tản Viên Ba Vì, đền Và tại Sơn Tây, đền Tranh và đền Thính tại Vĩnh Phúc, đền Lăng Sương tại Phú Thọ.
Theo thần tích tại Đền Và thì cung Trung và cung Hạ là nơi cầu đảo, tế lễ. Đông Cung là nơi “nghe tâu bày các việc”. Bắc Cung là nơi nghỉ ngơi.
Đền thờ Tản Viên (Ba Vì)
Địa chỉ: xã Minh Quang và Ba Vì, thuộc huyện Ba Vì
Đền thờ Tản Viên Ba Vì là tên gọi chung của hệ thống ba đền thờ Thượng, Trung, Hạ lần lượt nằm tại đỉnh, lưng chừng và chân núi thờ thần Tản Viên Sơn Thánh.
Đền Thượng hay còn gọi là chính cung Thần Điện nằm tại khu vực đỉnh núi cao 1227m so với mực nước biển. Theo các truyền thuyết và ngọc phả có liên quan thì đền Thượng có từ thời An Dương Vương. Là ngôi đền cổ kính, được nhân dân lập từ xa xưa.
Đền Trung còn gọi là Trung Cung tọa lạc tại lưng chừng núi Ba Vì. Tại chính cung đền thờ bà Ma thị Cao Sơn – người mẹ nuôi của Tản Viên Sơn Thánh, đồng thời là vị thần chủ cai quản núi Tản Viên. Đây là ngôi đền có vị thế đẹp nhất trong hệ thống các ngôi đền thờ thần Tản Viên.
Đền Hạ còn được gọi là Tây Cung. Ngôi đền được xây dựng dưới chân núi Tản, ngay bên bờ sông Đà. Theo ngọc phả ghi lại tại đền Và thì đầu thế kỷ 18 người dân đã xây dựng đền Hạ.
Khách hành hương khi dâng hương tại ba ngôi đền có thể kết hợp việc cúng lễ với du lịch thắng cảnh khu vực vườn quốc gia Ba Vì nổi tiếng.
Khu di tích đền Và (Sơn Tây)
Địa chỉ: thôn Vân Gia, xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây
Đền Và là ngôi đền nổi tiếng nhất trong hệ thống đền thờ tản viên sơn thánh ở Hà Nội. Năm 1964, đền Và được xếp hạng di tích lịch sử văn cấp quốc gia.
Theo truyền thuyết, đền Và là hành cung của Tản Viên Sơn Thánh mỗi lần người đi tuần thú hay du ngoạn.
Đền Và lưu giữ trong mình rất nhiều giá trị quý giá như 5 bản thần tích của Tản Viên Sơn Thánh, 18 đạo sắc phong, 47 đôi câu đối được chạm khắc công phu trên vách cột, cùng hoành phi gỗ, đá. …
Tại hậu cung đền thờ Tam Vị Đức Thánh Tản gồm Thánh Tản Viên, Quý Minh và Cao Sơn.
Ngôi đền được truyền tụng là đền thiêng, vô cùng linh ứng lời thỉnh cầu của con hương.
Lễ hội đền Và được tổ chức vào ngày 13 – 15 tháng giêng, cứ 3 năm lại tổ chức một lần lễ to. Lễ hội đền Và được đánh giá là lễ hội lớn nhất, đặc sắc nhất xứ Đoài.
Đền Tranh và đền Thính (Vĩnh Phúc)
Địa chỉ đền Tranh: xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc
Địa chỉ đền Thính: xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc
Hai ngôi đền thờ thần Tản Viên đều được xây dựng gần nhau thuộc huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc.
Hai ngôi đền đều có lịch sử xây dựng từ xa xưa, đã trải qua nhiều lần tu sửa tôn tạo nên đền rộng hơn và khang trang hơn nhiều. Chủ yếu các nét kiến trúc trong đền nghiêng phần nhiều về kiến trúc nghệ thuật thời nhà Nguyễn.
Mặc dù được xây dựng gần nhau những mùa lễ hội tại hai ngôi đền này được tổ chức không giống nhau.
Tại đền Tranh, người ta tổ chức lễ hội vào ngày rằm tháng Giêng, ngày 6/2 và ngày 6/8 âm lịch. Nhân dân tại đền Tranh tổ chức lễ hội đền theo hình thức diễn xướng, nhắc lại công lao đức thánh ngài và tiến hành nghi lễ gieo hạt, cầu mưa thuận gió hòa.
Với cùng hình thức tổ chức các nghi lễ trong hội, lễ hội đền Thính được tổ chức vào mùng 6 đến mùng 9 tháng giêng âm lịch. Hội làng tại đây bao gồm nhiều trò chơi dân gian như đấu vật, chọi gà, kéo co
Đền Lăng Sương (Phú Thọ)
Địa chỉ: xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ
Nếu bạn đã biết đến hệ thống đền Và Sơn Tây, đền Tranh, đền Thính Vĩnh Phúc thờ thần Tản Viên thì không thể không biết đến đền Lăng Sương tại Phú Thọ. Theo cuốn ngọc phả, đền Lăng Sương mới là nơi phát tích của thánh Tản Viên. Những ngôi đền còn lại đều chỉ là đền thờ vọng.
Theo ghi chép tại đền, đền Lăng Sương được xây dựng năm 1011 vào thời nhà Lý. Khu vực xây dựng đền cũng được đặt trên nền móng nơi thánh Sơn Tinh sinh ra và lớn lên. Bởi vậy, ngôi đền được rất nhiều con hương, đệ tử tứ phương lặn lội đường xa tìm về để dâng lễ, cúng bái hàng năm.
Đền Lăng Sương tổ chức lễ hội vào ngày 14 – 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Trong đó, ngày 15 là ngày lễ chính. Song song với hoạt động tế lễ, nhân dân thập phương cũng thường tập trung về đền vào ngày lễ hội bởi theo quan niệm, ngày linh thiêng nhất, tốt nhất để dâng hương cửa đức ngài là ngày lễ hội.
Văn Đức Thánh Tản Viên
Bản 1:
Nhạc Phủ Thánh Đế Văn
Động sơn trang thượng ngàn thánh phủ
Đức Tản Viên đấng chủ sơn lâm
Nổi cơn gió cuốn ầm ầm
Di sơn đảo hải cứu dân thoát nàn
Cõi Nam bang nhờ ơn đại thánh
Đất Sơn Tây, Tản Lĩnh ngất cao
Đôi bên tả hữu bộ tào
Tam thập lục động ra vào quản cai
Chốn sơn lâm muôn loài cầm thú
Nhờ thánh ân Nhạc Phủ thần vương
Lại thêm bát bộ sơn trang
Dời non chuyển núi phép càng thần thông
Nay ngưỡng trông thánh vương soi xét
Độ thanh đồng khắp hết gần xa
Độ cho khang thái cửa nhà
Cây tài nhánh lộc nở hoa bốn mùa
Khắp thôn bản gió mưa hòa thuận
Cõi lâm sơn ngàn mận ngàn mơ
Đỉnh non gió thổi phất phơ
Suối reo thác đổ tiếng tơ chạnh lòng
Chúng đệ tử một lòng thành kính
Tiến văn trình thỉnh thánh giáng lâm
Chữ rằng thánh giáng lưu ân
Sơn trang lưu lộc thiên xuân thọ trường.
Bản 2: Tản Viên Sơn truyện cổ tích
Trước bày Đại Việt Hùng Vương
Dân an đệm chiếu bốn phương thuận hòa
Đâu đâu hát thái bình ca
Phong đăng bách cốc nhà nhà đủ no
Có người là con học trò
Tên là Nguyễn Tuấn thế lo làm tày.
Phòng văn án tuyết đêm ngày
Gạo châu củi quế thiếu rày lấy đâu
Đọa tài khắp một tay thâu
Sớm lo chẳng đủ lấy đâu ngày dùng
Tuổi vừa được chốn xuân nồng
Thất gia chưa có dụng phòng chống nao
Lên chơi rừng quế nguồn đào
Giang sơn chốn chốn thấp cao mọi ngàn
Chim kêu vượn hót làm đàn
Có nơi là Tản Viên Sơn hiệu lành.
Bốn bề non nước cực thiêng
Dẫu có thụy khí anh linh lạ thường
Cảnh thanh kỳ lạ khác thường
Non nhân nước trí bốn phương hữu tình.
Nhuộm tươi chân ngắt mầu xanh
Dương bằng một cảnh hồ thanh ngất trời
Hình hô một cảnh lâu đầi
Đỉnh cao đột ngột chống trời một phương.
Quần sơn chầu lại nên hàng
Thế lo đất phức ắt đường nơi đây.
Cảnh thanh đắc ý mừng thay
Lập làm lều tiện tháng ngày náu chơi.
Lâu la chiếu đất màn trời
Làng Nhan cửa Khổng chẳng đời chí xưa.
Sơn hào song viết thừa lưa
Thói quen nên kẻ tiều phu trí mầu
Ngày ngày bẻ được củi mau
Xăm xăm làng hạnh gạo châu đổi dời.
Đèn trăng quạt gió vẫn chơi
Hôm mai no đủ cầu gì thế gian.
Một ngày lên đỉnh Cao sơn
Nhìn xem sắc mộc thiên bạn lạ dường.
Cây cao chót vót sơn trường
Đàn lên tán lục rợp trương lạnh lùng.
Tần Hoàng xưa có sắc phong
Ơn vua chức trọng phù tùng uy nghi.
Hương xuân ngát nức tư bề
Nguyễn Lang thấy lạ đòi khi lo lường
Chữ rằng: trừ mộc khử ương
Tay cầm thiết phủ chém thương tồi tàn.
Ngả cây tiếng dậy lâm san
Chuyển lên kinh khủng thế gian hãi hùng.
Nguyễn Lang chẳng chuyển hình dung
Để khô làm củi dình phòng bán mai.
Ai hay là sự bởi trời
Bỗng đâu xui khiến có nơi hộ trì.
Thấy sao Thái bạch tử vi
Thần thông biển hiện một khi nên người.
Một ông lão tử tám mươi
Tay cầm tích tượng bởi trời sấy sa.
Thấy cây tươi tốt dầm dà
Nguyễn Lang hoài chém tồi pha thương này
Xăm xăm tích trượng cầm tay
Gõ vào cây ấy một giây lạ dường
Tự nhiên cây ngọn hồi dương
Dựng nên cây tốt tán trường xanh rờn.
Ngày sau Nguyễn Tuấn lại lên,
Thấy cây vặc vặc vẹn toàn như xưa.
Gẫm rằng sự lạ qua ưa
Cây này đã ngả hôm qua tan tành.
Một giờ ngọn lại tươi xanh
Thấy âu là có thần linh hộ trì.
Cây sao quái gở nhiều bề
Sự thì đã lạ thấy thì chẳng ngoa.
Tay cầm phủ việt lại pha
Chém cây ấy xuống ngã ra tan tành.
Một bên đứng nép hòa rình
Thấy ông Thái Bạch kim tinh đến gần
Liền hối tích trượng chân nhân
Gõ vào cây ấy chuyển vần lạ bao.
Dựng nên đột ngột xanh cao
Cây nên vặc vặc tơ hào chẳng ngoa.
Tán xanh cây tốt dầm dà
Thấy ông Thái Bạch tuổi già lu khu
Thấy trời có ý tựa cho
Nguyễn Lang thấy ý liền lo lời này.
Ắt là Trời, Phật tới đây,
Đè ông liền cướp được rày mừng sao.
Phật trên một tiếng cả cao:
“Kìa mày lấy gậy thì tao càng mừng
Đây hòa cứu tử độ sinh
Tự nhiên phúc đức bởi mình hòa ra.
Cứu dân độ quốc gần xa
Công cao đệ nhất người ta trọng dùng”.
Nói thôi dạy phép thần thông
Bụt liền thoắt biến về trong bảo đài.
Ác vàng xế bóng non đoài
Nguyễn Lang trở lại Sơn trai chốn nhà.
Ngày sau gánh cửi bên hà
Mục đồng kính nhưỡng âu ca chơi bời.
Vo ve tiếng địch vừa vui
Đã không thì nói vui chơi đêm ngày.
Nam thanh nữ tú làm bày.
Khi ca khi nói khi cười khi không.
Bảo nhau đã nức dậy đường
Hò reo tập trận Đinh Hoàng cờ lau.
Ngựa bò cờ nón voi trâu
Kèn loa tiếng trống đâu đâu dậy đường
Thuở ấy Thủy Tề Long vương
Có một nam tử là chàng Tiểu Long.
Phù sinh thơ dại trẻ trung
Rắn vừa đội lốt chơi rông lạc đường.
Trường giang tới bãi Tiêu Tương,
Trẻ thơ bài ấy lòng càng muốn coi.
Miên man lễn bãi đầu doi
Rắn liền thấy trẻ vui chơi lại gần.
Thế gian ai biết thủy quân
Làm chi ai biết thiên nhân Thủy Tề.
Tay cầm dùi mít liền bè
Đánh Tiểu Long chết tức thì bảo nhau:
“Đánh rắn đánh cho dập đầu
Kẻo hòa chàng ấy ngày sau trả thù.”
Để lên bãi cát nằm co
Tiểu Long hồn phách bơ vơ rụng rời.
Tình cờ đem để có nơi
Nguyễn Lang đến đấy ngược xuôi bao giờ.
Đông tây vắng vẻ bằng tờ
Bãi non tới xuống trời vừa tà dương.
Rắn liền nằm bãi Tiêu Tương
Như rồng uốn khúc, tới nhường lạ thay.
Nguyễn Lang tích trượng cầm tay
Gẫm rằng ta thử gậy này thấy nao.
Gậy thiên thần mới cho tao,
Thiêng liêng nhường ấy nhẽ nào được hay.
Ngày xưa người chữa được cây
Bây giờ ta chữa rắn thế nao.
Bèn cầm tích trượng gõ vào
Thần thông sao khéo lạ nào tự nhiên.
Rắn lại trương cất đầu lên
Hoàn hồn uốn khúc lại yêu vẹn toàn.
Cúi đầu quỳ lạy tạ ơn
Tiểu Long trở xuống thủy tiên tức thì.
Thần thông phút đến Thủy tề
Vua cha coi thấy lòng thì mừng thay:
“Con sao ba bốn hôm nay
Tìm hoài chẳng thấy là hay nơi nào?”
Tiểu Long lén lén tâu vào:
“Đi chơi lạc đến ngòi Tào thương thay.
Lân la đến chốn Sơn Tây
Bãi Tương ngàn Sở chốn nay hữu tình.
Một nơi là một khoe thanh
Giang sơn thành thị dường tranh mỹ mùi.
Cảnh kỳ dư ngất xuân đài
Chẳng ngờ là chốn ấy người phàm gian.
Chơi xuân đồng mục có đàn,
Thấy vui tôi muốn lên xem tới gần.
Lối thiêng trái dáng chân nhân
Nó ngờ là rắn hại dân bấy chầy,
Trẻ trung thờ dại chẳng hay
Nó liền đánh chết bỏ thây bên ngàn.
Có người là Tản Viên Sơn
Tên là Nguyễn Tuấn phép tiên ai tầy.
Thần thông tích trượng cầm tay
Hoàn sinh của Bụt ấy nay bao giờ.
Tài hiền tướng mạnh qua ưa
Chữa tôi lại sống tỉnh xưa lại hoàn.
Mới hay phúc bởi hoàng thiên
Rày tôi về tới Thủy tiên chốn nhà.
Lại xem thấy mặt mẹ cha”.
Long Vương thấy nói xót xa trong lòng.
Mừng con mở tiệc đền rồng
Thỉnh mời Nguyễn Tuấn đến cùng tạ ơn.
Sai tam bộ sứ Thủy tiên,
Tiểu Long hiển hiện cùng lên tới nhà.
Tiểu Long quỳ lạy trình qua:
“Tôi la thủy tộc kênh hà Long Vương.
Mục đồng ngày ấy làm thương
Ơn nhờ chữa được nghĩa càng cảm thay.
Cha tôi thỉnh xuống một giây
Đền rồng bẩm tạ ơn nay cho chàng.
Dầu cha cho bạc cho vàng
Sau là tiền vải vóc càng nhiều thay.
Thái hoa thung thúc đã đầy
Của ấy chẳng tày sách ước quốc gia.
Ước chi được nấy chẳng ngoa
Thiên vàn xin đức vua cha cho về”.
Dặn dò mọi nỗi vân vi
Đem nhau vừa xuống Thủy tề Long cung.
Vừa khi vua ngự đền rồng
Thành vàng báu ngọc lạ lùng nhiều sao.
Khắp đầy đài các cung cao.
Phủ lầu tượng vị đền cao ngàn tầng.
Long Vương cao ấy phán rằng:
“Người tiên thói ở ra lòng thế bay”
Tiểu Long được đội ơn này
Chữa tôi ngày trước, khi nay vừa hồi.
Nhân duyên ngõ nhẽ đôi người
Kết làm huynh đệ chưa đời chí xưa.
Vàng thì muôn nén lấy đi,
Bạc thì muôn gánh thái hoa vô vàn.
Lưu li hổ phách hô san
Trân châu mã nã đầy bàn mười mâm.
Báu yêu thức tốt dư trăm
Khiến người đưa đến sơn lâm cho chàng.
Nguyễn Lang vái tạ từ nhường:
“Cửa vua châu báu vàn muôn kênh hà.
Song le tôi khí chật nhà
Tôi xin sách ước quốc gia bấy chầy.”
Long Vương lòng chẳng thiết thay
Nửa cho, nửa lại tiếc rày chẳng cho.
Tiểu Long đến trước tâu vua:
“Tôi xin sách ấy vua cho ơn người”.
Long Vương nghe nói ngùi ngùi
Tố thư một cuốn đưa nay cho chàng.
Nguyễn Lang khấp khởi lòng vàng
Tức thì vái tạ Thánh hoàng trở ra.
Tiểu Long vừa bước đưa qua
Trượng phu bốn bề một nhà anh ba
Dặn dò sau trước một bề
Đầu đào báo lý chưa hề làm chi.
Giang sơn đối mặt bái từ
Người lên non Tản người về Thủy cung.
Nguyễn Lang được phép thần thông,
Ước chi được nấy trong lòng mừng thay.
Ước nên đài các đông tây
Ước nên châu báu chưa đầy chân chan
Ước nên thiên hạ bình an
Ước nên bốn bể phượng loan một nhà.
Ước nên phong vũ nhuận hòa
Được mùa bách cốc nhà nhà đủ no.
Ước nên thọ khảo muoont hu
Phúc nhà con cháu phúc nhà tiên ông.
Ước chi được nấy lạ lùng
Như trong ước muốn, như lòng ước xưa.
Thuở ấy Thủy tề giang hà
Ngường con lên trị quốc gia bấy chầy.
Sơn quân thấy vậy mừng thay
Bọn xưa chẳng phụ thường hay đi về.
Thuở ấy Hùng vương cung phí
Sinh được con gái tên là Mỵ Nương.
Tuổi vừa mười bốn phi phương
Tinh thần ngọc đúc Thọ Dương ai tày,
Má hồng đa ngọc hây hây.
Ngờ thần tiên nữ xuống rày đài dương.
Nương long chúm chím tuyết sương
Tiết mai dường thuở thường thường mới đây.
Tốt thay điệu điệu lưng ong,
Mình thì chật bức quần hồng vừa vui.
Thong dong ngọc thốt miệng cười
Chân đi thoắt thoắt khoan thai dịu dàng.
Nết na tư chất khác thường
Hình dung yểu điệu nhan hồng thuyền quyên.
Càng nhìn càng một hữu duyên,
Hà sơn khả vi hương tiên khôn bằng.
Da ngà tóc phượng khác hằng
Thế gian ai thấy là chăng phải lòng.
Một nơi là một lạnh lùng
Ngọc lành cao giá đợi cùng chốn sang.
Tiến đồn dậy khắp lân bang
Đã nên một gái mọi dường con cha.
Đầu cài trâm hốt ngọc hoa
Của bằng các bạn hằng nga tốt lành.
Tiến đồn mọi quận mọi thành.
Thục vương muốn kết ả anh một nhà.
Song le chẳng gả chồng xa
Hùng Vương làm hội quốc gia bầy chầy.
Khắp hòa thiên hạ đông tây
Mặc cho con kén ai nay có tài.
Dậy dường đồn nức mọi nơi
Trông xem mừng gặp duyên trời dẩy dun.
Ai ai cũng đến cửa son
Mỵ Nương hợp ngọc lòng còn hồ nghi.
Chưa lòng kết tóc phu thê
Thế gian cùng đến đều thì ước ao.
Long Vương lên đỉnh án cao
Tìm chàng họ Tuấn kết giao bấy chầy,
Đôi người khấp khởi mừng thay
Đền cao gác rộng hây hầy ỷ la
Tiệc bày mỹ vị xướng ca
Nghênh hôn mừng rỡ thật là vui thay.
Chả lân thịt phượng khắp bày
Mâm đầy ngọc thực, chén đầy quỳnh tương.
Vang lừng một đám phong quan
Sơn Tinh cùng chúa Long Vương khuyên mời.
Hùng Vương làm hội tháng trời
Tiến đồn vang nức đòi nơi xa gần.
Long Vương cùng chúa Sơn quân
Đôi vua nghe tiếng mười phân ra mừng.
Vội vàng mở tiệc tưng bừng
Đôi vua về núi tếch rừng một khi.
Trường An thẳng tới làm kỳ
Thấy Hùng Vương hội nhiều bề mừng thay.
Xăm xăm tới trước tâu bày:
“Đôi tôi kén rẻ phen này xứng chăng?
Chúng tôi tú pháp tài năng
Ngõ đây Nguyệt Lão hợp trăng tình cờ”.
Long Vương phun nước liền mưa
Sơn quân đứng núi một giờ mọc lên.
Thuở ấy thủy tộc thủy tiên
Trong lòng lấy hột xảy liên từ đình.
Đặt bày muôn khóm thụy tinh
Một dây liền mọc lá cành nở ra.
Nên cây tươi tốt dầm dà
Trăm hoa đua nở dà dà cành xanh.
Thuở ấy họ Tuấn Sơn quân
Tây cầm phủ việt lấy cành chém cây.
Đòi nơi lá rụng hoa rơi,
Lại lấy tích trượng cầm tay vội vàng.
Gõ vào ngay cây cam đường
Tự nhiên cây lại hồi dương tức thì.
Quả hoa lại kết liền chi
Cây nên vặc vặc tư bề hồi dương.
Chồi lá lá ngọc cành vàng
Hùng Vương xem thấy lòng càng mừng thay.
Đôi người thi phú đều hay
Hùng Vương mới nói lời này phán ra:
“Cây cao hòa có một hoa
Duyên ai nấy gặp biết hòa làm sao
Đôi người dạ cũng đều yêu
Tài khôn nhường ấy biết nào phụ ai
Song le duyên phận mặc trời
Lòng lo lưỡng lự mở lời ấy khôn.
Nhân vì nhà có một con.
Bây giờ dụng sự kết hôn gả chồng.
Mặc ai sính lễ việc dùng
Đặt bày trước mặt sân rồng đến sơ
Ấy là phận đẹp duyên ưa
Nhân duyên mặc lão tình cờ mặc ai.
Đôi vua bái tạ trước ngai
Về nhà sắm sửa sính tài kíp thay.
Sơn quân sách ước cầm tay
Ước nên vàng bạc của đầy dư muôn.
Trâu bò gà lợn đến tuôn
Sẵn sàng bày đặt trước đền hư không.
Mời khuyên yến ẩm đền rồng
Mỵ Nương trước lấy về cùng Tản Viên.
Long Vương sau đến lỡ tin
Thẹn thò xấu mặt lòng càng hận thay.
Bèn liền chốc ý phân tây
Ơn xưa chẳng đoái lại hay oán thù.
Thời vừa tháng bảy đầu thu
Kim phong hải khẩu gió mưa bay dời.
Tiết sang vừa chịu lệnh trời
Cầm quyền Bạch đế đòi nơi lạ dường.
Thuở ấy Thủy Tề Long Vương
Hận vì chẳng được Mỵ Nương kết nghì.
Vãng lai tin tuyệt đi về
Giao lân nào có ỏ ê tới lòng.
Nẻo hòa dạ khác thì vong
Long Vương sắm sửa thủy cung binh quyền.
Hận rằng lên đánh Tản Viên
Chư quân eo óc nước dâng lên ngàn.
Kình nghê sấu vực giương vây
Rắn rồng uốn khúc rồng bay một đoàn.
Nước dâng lai láng đầy ngàn
Mưa tuôn bão giật sấm ran đùng đùng.
Nhị hà dòng nước mênh mông
Kình nghê thổi gió rắn rồng phun mưa.
Đua nhau thừa tướng trường xà
Miết lân ngư trượng kể dư muôn vàn.
Giương vây vùng vẫy tiến ngàn
Uy ta điện chớp sấm ran lôi đình.
Tam đầu cửu vĩ tiên binh
Đến Từ Liên huyện sự tình nghỉ ngơi.
Thấy bà lão mẫu tốt tươi
Một mình xuống tắm thửa nơi giang bà.
Long Vương thử triệu niên nga
Không dưng bắt lấy lão bà thảm thương.
Chẳng ngờ phải mẹ vua Chèm
Ra đi đến Bắc trấn biên hòa về.
Mình cao nghìn trường chín ghê
Theo xuống hòa tắm thông tri đâu là.
Bởi về thấy rằng vắng mẹ già
Chăng ngờ thủy tộc bắt hòa chăng thương.
Ông Chèm báo oán Long Vương
Lưới giăng ngăn khúc bến giang đón về.
Thuở ấy Long tộc Thủy tề
Đem quân lên đánh Ba Vì Tản Viên.
Sơn quân vùng chúa Thủy tiên
Đôi vua ra trận ấy liền bảo nhau:
“Ấy vua Thủy tộc đi đâu
Mặt trăng mặt vực thấy nhau chẳng chào.
Hay là chàng có lòng nào
Đem quân rồng rắn lên ngàn làm chi?”
Thưa rằng: “Bởi vua Ba Vì
Lừa nhau làm sự vô nghì trước sau.
Hơn lòng lấy cướp vợ nhau
Chăng vì bầu bạn dạ hầu bất nhân.
Thấy chàng làm chúa Sơn quân
Ra lòng khinh bạc mười phần sai ngoa.
Bạn xưa sao chẳng thực thà
Cho nên thủy tộc kênh hà cất binh.
Nhọc lòng văn vũ triều đình
Cho nên lỗi đạo đệ huynh bởi người.”
Sơn quân hòa nói hòa cười:
“Đôi ta cùng đội ơn trời giáng sinh.
Chàng đã ra dạ tương tranh
Cho nên lỗi đạo đệ huynh chăng hòa”.
Ắt là sơn thủy nên xa
Sơn quân cũng chúa kênh hà tranh khi.
Sơn quân những tướng hùng uy
Khi hươu hùng hổ làm vì tiến ra.
Chư quân đối địch giang hà
Hươu Tần Khi Sở rày đà nên công.
Long Vương đội lấy lốt rồng
Phun mưa thổi gió đùng đùng bốn phương.
Phong vân một trận lạ dường
Kình nghê sấu vực quân càng nhiều thay.
Cá mừng gặp hội rồng mây
Nhẩy qua cửa Vũ một giây nên rồng.
Đua nhau những trí anh hùng
Điểu phượng theo rồng, phù chú lấy sang.
Đôi bên giao chiến vội vàng
Non tiên hổ báo theo chàng long ngư.
Đánh nhau vừa được ba giờ
Long Vương hóa phép giục ba quân vào.
Biến làm đội rác râu tào
Nổi lên mặt nước tiến vào đột xung.
Sơn quân gẫm được sự lòng
Trúc thưa trúc mật tây đông tứ bề.
Đôi bên đều cũng uy nghi
Lạc hay chế ngự ai thì thua ai.
Bảo nhau chém rác quân tào
Đều thì có máu, đều thì lạ thay,
Trúc tên bắn phải mưa bay
Kình nghê cá rắn thác đầy làm nơ.
Vốn xưa đã được sách trời
Thủy Tinh thua xuống thuở nơi giang hà.
Ba quân hồi khải hoàn gia,
Sơn trường lấy gỗ trở ra tiến về.
Thủy quân nẻo cũ quen về
Ngày sau tức thì đến xã Từ Liêm.
Tiên binh xung lưới ông Chèm
Ai hòa chẳng được càng thêm lo lường.
Hội đồng cá rắn biên giang
Ông Chèm ra thấy lòng càng mừng thay.
Trở ơn thân mẫu khi nay
Dạng chân sông cả, đôi tay vơ quàng.
Bủa vây mọi khúc biên giang
Rắn rồng bắt lấy bật ngang vào đồi.
Long Vương mất vía rụng rời
Đường về chẳng được mặc người khôn qua.
Long Vương hải tàng còn xa,
Mở rèm cửa Hát luồn qua chu kiều,
Năm năm thường một neo chèo
Đem quân lên đánh Ba Vì Tản Viên.
Sơn quân thấy bạn chăng hiền
Lại lấy sách ước ra nguyền một giây.
Chước chi tao ước được mày
Chúa Tiên tinh ước một giây lạ dường.
Long Vương thủy tộc ba đầu
Ông Đàm ông Cột ông Lương ông Chài.
Song le mạnh chẳng qua trời
Sách thiêng chư tưởng rụng tời hồn kinh.
Tự nhiên lên núi nộp mình
Thần thông biến hóa hiện hình càng ghê.
Đều thì cá rắn chín ghê
Mình dài trắm thước uy nghi lạ lùng.
Rắn thiêng hóa phép nên rồng
Sơn Tinh thương tích trong lòng dây dây.
Nhớ xưa hai nghĩa chẳng rời
Tùy hàng bầu bạn mong hoàn lại tha.
Hiện nên tướng cả lòng xà
Cức cung bách bái nằm ca tiền đường.
Thuở ấy Sơn quân phán rằng
Tiếc thay những tướng tài hiền Long quân
Đều hay hộ quốc cứu dân
Huy hòa bốn bể xa gần được ơn.
Lại đi đánh trả Thủy tiên
Sơn quân có được hoàng thiên hộ trì.
Bản 3: Đức Thánh Tản Viên Chân Kinh
Chí tâm phục mệnh lễ
Tản Viên Sơn thánh
Sơn quốc chúa đại vương
Dực bảo trung hưng
Thượng đẳng tối linh thần
Thái Bạch, Long Vương
Ban mộc tinh, bí pháp truyền
Ban phúc, phù công danh
Cứu chúng sinh chi khổ nạn
Thần trú lưu hành, phổ tiêu bất thường
Hồng thủy phi diệt, khai trừ thủy cảnh
Thiên đạo vạn thông, cảm hữu can chi
Xá tống hỏa quan, xích thư sở cáo
Tứ sinh lục đạo. Hữu cảm tất phù
Tam giới thập phương vô cầu bất ứng
Lăng xương cốt cách ngọc tinh thần
Mang dấu rồng thiên xuống hạ trần
Thái Vĩ cùng tiên trên Thượng giới
Sinh ra Thánh Tản tại nước Nam
Nam quốc Tản Viên Sơn thánh
Hương hỏa hiển thánh
Đại bi – Đại nguyện – Địa thánh – Đại từ
Khai sơn hộ quốc
Lịch ứng thượng đẳng tối linh thần
Đệ nhất bách thần
Nam thiên thánh tổ thiên tôn.
TẢN VIÊN SƠN THÁNH VÀ TÍN NGƯỠNG TỨ PHỦ
Tục truyền Đại Vương sinh ngày rằm tháng giêng ngày mùng 6 tháng 11 thì hóa.Cùng với Phù Đổng Thiên Vương Chử Đạo Tổ Thánh Mẫu Phủ Dày.Ngài là vị Thánh đứng đầu trong bốn vị Thánh bất tử của dân tộc ta.
Các triều đại kính trọng gia phong Đại Vương hiệu VIết Tản Viên Hiệu Thánh Khuông Quốc Hiệu Ứng Vương hưởng hương khói cúng tế không dứt liệt vào hàng Quốc tế
xem như vị đệ nhất phúc thần của nước Việt ta.
Dân gian tôn kính, kêu ngài Tản Viên Sơn Thánh, Đệ Nhất Thượng Đẳng Phúc Thần, Đệ Nhất Bách Thần, Nam Thiên Thánh Tổ, là Thần của các Thần nước Nam.
Trong tín ngưỡng Tứ Phủ
Hiện nay trong hệ thống thờ tứ phủ có 4 vị mẫu cai quản các Thiên, Địa, Nhạc, Thoải. Bên cạnh các Mẫu có 3 vị Vua cha được thờ làm thần chủ các phủ là Ngọc Hoàng Thượng Đế (Thiên Phủ), Bát Hải Động Đình (Thoải Phủ), Bắc Âm Phong Đô Nguyên Thiên Đại Đế (Địa Phủ). Như vậy còn khuyết vị trí vua cha Nhạc phủ.
Vị trí Vua cha Nhạc phủ là có, được thỉnh đến trong văn công đồng:
Tận hư không giới thánh hiền
Dục giới sắc giới chư thiên đều mời
Vua Đế Thích quản cai Thiên chủ
Vua Ngọc Hoàng Thiên phủ chi tôn
Dương phủ Ngũ Nhạc thần vương
Địa phủ thập điện minh vương các tòa
Dưới Thoải phủ giang hà ngoại hải
Chốn Động Đình Bát Hải Long Vương…
Ngũ Nhạc Thần Vương là ai?
Theo truyền thuyết Tản Viên Sơn Thánh đã đi khắp nơi, dựng nhiều hành cung trên đất Việt, hệ thống hành cung của Tản Viên được chia làm 5 khu chính như sau:
+ Thượng cung: là đền Thượng nằm trên đỉnh Tran của núi Ba Vì
+ Đông cung: là Đền Và ở cạnh thị xã Sơn Tây, cạnh Sông Hồng
+ Tây cung: gồm đền Chung trên núi Chàng Rể và đên Hạ ở bờ hữu sông Đà, đối diện với động Lăng Xương, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ – Nơi thờ đấng sinh thành Ngài là cha Nguyễn Cao Hạnh và mẹ Đinh Thị Đen.
+ Nam cung: là đền Ao Vua
+ Bắc cung: là đền Thính ở Tam Hồng – Yên Lạc – Vĩnh Phúc. (Thính là đọc tranh âm của Thánh). Ngoài ra còn có Bắc cung thượng là đền Tranh ở Trung Nguyên – Yên Lạc – Vĩnh Phúc.
Vậy thì Ngũ Nhạc Thần Vương cũng có thể hiểu chính là Tản Viên Sơn Thánh, trong đó Ngũ ứng với 5 hành cung của Đức Thánh Tản để trấn giữ vùng núi Tản, chứ không phải để chỉ 5 vị thần như cách hiểu trong Đạo Giáo. Điều này cũng giống như Vĩnh Công được phong làm Vua cha Bát Hải Động Đình, trong đó bát ở đây là chỉ 8 cửa biển nước Nam mà trước kia Vĩnh Công đã lập nên chiên công đánh giặc ngoại xâm, chứ không phải bát chỉ con số 8, ứng với 8 vị Long Vương trong Đạo Giáo.
Ngọc phả tại đền Và kể về Đức Thánh Tản có đoạn: “Vua Hùng gia phong cho Sơn Thánh làm Nhạc Phủ Kiên Thượng Đẳng…” . Như vậy rõ rang Tản Viên Sơn Thánh là Thần Vương của Nhạc phủ trong tín ngưỡng Tứ phủ. Ngọc phả lại có đoạn; “… từ đó phụng mệnh Hoàng Đế cùng với Tứ phủ công đồng ở trên hải đảo đi tuần xét mọi việc trong nhân gian”. Như vậy đây là một bằng chứng logic nữa để thấy rằng Vua cha Nhạc phủ trong tín ngưỡng Tứ phủ chính là Tản Viên Sơn Thánh.
Việc đưa Đức Tản Viên Sơn Thánh trở thành Đức Vua Cha của Nhạc Phủ là hoàn toàn hợp lý vì Đức Thánh Tản chính là Cha của Mẫu Thượng ngàn, tức La Bình Công Chúa. Như chúng ta đã biết, Mẫu Liễu Hạnh là Công Chúa,là con của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Mẫu Thủy Cung là Công Chúa, con của Vua Cha Bát Hải Động Đình. Mẫu Thượng Ngàn là La BÌnh Công chúa vốn là con của Tản Viên Sơn Thánh, vậy thì Tản Viên Sơn Thánh ở ngôi vị Vua Cha Nhạc Phủ là hoàn toàn hợp lý về mặt logic.
Tín ngưỡng Tứ Phủ công đồng hình thành ở vùng Đồng Bằng sông Hồng, là vùng đất phía Đông do dòng dõi Lạc Long nắm giữ. Có lẽ vì thế mà vai trò của Nhạc Phủ, với thần chủ là Tản Viên Sơn Thánh, thuộc dòng tộc phía Tây (Thục) đã bị mờ nhạt đi trong tín ngưỡng này. Để tín ngưỡng Tứ phủ trở thành tín ngưỡng chung của người Việt ở đồng bằng cũng như vùng núi, để tram người con cùng một bọc đông bào, chung cha chung mẹ thờ đúng tổ tiên của mình thì cần xác nhận vị tôn chủ Nhạc Phủ của Tản Viên Sơn Thánh.